Quy định về thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt từ ngày 1/7

Kể từ ngày 1/7/2024, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước sẽ được cơ quan công an thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt.

Luật Căn cước được Quốc hội khóa 15 thông qua ngày 27/11/2023 gồm 7 chương và 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trong luật có quy định về việc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Điều 23 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước nêu rõ: “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”.

Như vậy, kể từ ngày 1/7, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước sẽ được cơ quan công an thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt.

Cấu tạo của mắt. Ảnh minh họa: BVCC

Cấu tạo của mắt. Ảnh minh họa: BVCC

Điểm d, khoản 1, Điều 16 quy định rõ: “Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước”.

Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại cơ quan công an như: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh.

Quy định việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

Khoản 3, Điều 16 Luật Căn cước quy định việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước như sau: Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thông qua việc chia sẻ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này hoặc thông qua hình thức gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước.

Cá nhân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước thông qua hình thức gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước.

Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này khi khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu căn cước phải gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, cá nhân là chủ thể của thông tin được khai thác.

Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định tại điểm d khoản này.

Theo khoản 4, Điều 16, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Ngoài ra, Luật Căn cước có nội dung đáng lưu tâm là việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp.

Theo đó, Điều 22 quy định: Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quy-dinh-ve-thu-nhan-thong-tin-sinh-trac-hoc-mong-mat-tu-ngay-1-7-2295996.html