Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị được nâng cao

Sáng ngày 14/7, tại Quảng Trị, Ban Kinh tế TW phối hợp với Bộ Xây dựng và Cơ quan phát triển Pháp tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.800km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước; là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước (gần 9,59 triệu ha, chiếm 28,93% diện tích cả nước); vùng có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Đông Bắc Thái Lan và Mi-an-ma.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có sự kết hợp đa dạng giữa các dạng địa hình như đồng bằng ven biển, dãy núi, rừng và bãi biển tạo nên một cảnh quan thiên nhiên đặc biệt. Khí hậu của vùng khắc nhiệt, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu với cường độ, tần suất của loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và quá trình phát triển đô thị, là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH)

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo kịch bản biến đổi khí hậu 1,53% diện tích ven biển bao gồm hành lang kinh tế ven biển, đô thị, khu vực trọng điểm nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt, xâm nhập mặn; Tình trạng nguồn nước vừa thiếu vừa thừa nước gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô dẫn đến hơn 269 nghìn ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước. Theo Nhóm 2030-WRG1 và tính toán cân bằng nước đến năm 2030 vùng Bắc Trung bô và duyên hải Nam Trung Bộ sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển- Phó Ban Kinh tế Trung ương cho hay, để triển khai thực hiện thành công các chủ trương, định hướng và giải pháp đã được nêu tại các Nghị quyết 06 và Nghị quyết 148 của Chính phủ cũng như Nghị quyết 26 thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho chúng ta.

"Hội thảo sẽ là cơ hội rất tốt để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ về những kinh nghiệm hữu ích về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị thuộc Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung của Việt Nam”- ông Hiển nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Đối với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Vùng có 06 đô thị loại I, 07 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 37,5%. Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/1 năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%). Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.

"Tăng cường quan tâm công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, chú trọng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình hạ tầng xã hội; cải thiện chất lượng phục vụ; giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội (như chỗ ở, việc làm...);

Lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết.. với đường bờ biển dài và đẹp... cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế. Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp"- Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có những đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng với nhiều lợi thế rất đặc thù, nhưng cũng đi kèm với đó là nhiều khó khăn thách thức. Hội thảo lần này là cơ hội để Lãnh đạo các địa phương, các sở ban ngành, các tổ chức trong nước, quốc tế và các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận làm rõ hơn những ưu điểm và hạn chế của vùng, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-hoach-va-phat-trien-ben-vung-do-thi-thuoc-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-mien-trung-262184.html