Quy hoạck Đắk Lắk: Sẽ mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột

Quy hoạch đô thị của Đắk Lắk phải hướng tới mục tiêu xanh, thông minh, 'trong rừng có đô thị, trong đô thị có rừng'; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc…

TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắl Lắk.

TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắl Lắk.

Nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, tỉnh Đắl Lắk sẽ phát triển hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

BỐN TRỤ CỘT TĂNG TRƯỞNG CHÍNH

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023) vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk công bố. Quy hoạch xác định tỉnh Đắk Lắk sẽ trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên…

Theo đó, Đắk Lắk sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 là 11%/năm; tỷ trọng kinh tế số đạt 20%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng; huy động GRDP vào ngân sách khoảng 13% - 14%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 3,5% - 4,5%/năm…

Tỉnh sẽ phát triển dựa trên 04 trụ cột tăng trưởng chính: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lơi; Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số.

Tỉnh phát triển xã hội dựa lấy con người làm trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng báo dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk xác định mục tiêu là tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn. Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.

Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Đắk Lắk xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa; tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh…

31 ĐÔ THỊ VÀO NĂM 2030

Cũng theo quy hoạch, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của Đắk Lắk theo cấu trúc không gian "một trọng điểm - ba cực - ba hành lang - ba tiểu vùng". Trong đó, một trọng điểm là TP. Buôn Ma Thuột và phụ cận. Ba cực phát triển: thị xã Buôn Hồ, thị xã Ea Kar, thị trấn Ea Drăng và phụ cận, huyện Ea H'Leo.

Ba hành lang động lực gồm: hành lang kinh tế tổng hợp (QL14), hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (QL29); hành lang phía Đông (QL26 và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).

Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng trung tâm gồm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M'gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn; Tiểu vùng phía Bắc gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H'leo, Krông Năng, Krông Búk; Tiểu vùng phía Đông Nam gồm các huyện: Ea Kar, M'Drắk, Krông Bông, Lắk.

Mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm cùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng.

Phát triển thị xã Buôn Hồ là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh.

Phát triển thị xã Ea Kar là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh, hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội để trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, công nghiệp của tiểu vùng.

Đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk có 31 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là TP. Buôn Ma Thuột; 01 đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 06 đô thị loại IV và 23 đô thị loại V.

Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê. Nghiên cứu thành lập mới các khu công nghiệp tiềm năng ( M’Đrắk, Ea Kar, Ea H’Leo)…

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh cũng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy hoạch đô thị của Đắk Lắk phải hướng tới mục tiêu xanh, thông minh, “trong rừng có đô thị, trong đô thị có rừng”; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc…

Để triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương kịp thời rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kỹ thuật chuyên ngành… Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện 5 đột phá phát triển gồm: cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; kết nối hệ thống giao thông; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Theo phương án mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), địa phương sẽ thực hiện sáp nhập một số xã lân cận, gồm các xã: Cư Suê, Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) và Hòa Đông (huyện Krông Pắk); sáp nhập hơn 10 km2 của buôn Kroa A (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) vào địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột. Tổng diện tích các đơn vị nêu trên khoảng 127 km2, quy mô dân số gần 40.000 người.

Hiện TP. Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 377 km2, dân số khoảng 485.000 người.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-hoack-dak-lak-se-mo-rong-dia-gioi-hanh-chinh-tp-buon-ma-thuot.htm