Quy ước góp phần giữ an ninh, trật tự

Si Ma Cai là huyện vùng cao, biên giới với trên 93% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân trí không đồng đều, dẫn đến việc chấp hành pháp luật của một số cư dân chưa nghiêm, ảnh hưởng đến công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Để khắc phục khó khăn trên, huyện đã đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là xây dựng các mô hình tự quản.

Theo tuyến đường bê tông thoáng sạch, chúng tôi đến tổ dân phố Gia Khâu (thị trấn Si Ma Cai). Sau nhiều năm trở lại, Gia Khâu đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà kiên cố mọc lên nhiều hơn, trong chuồng nuôi nhốt của mỗi gia đình, số đại gia súc cũng tăng; thay vì để nương, đồi trống, bà con đã đưa cây ăn quả vào trồng… Cũng như mọi ngày, sau khi hoàn thành việc nhà, ông Thào Quán Dín, Trưởng dòng họ Thào lại đến một số hộ trong thôn nắm tình hình. Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên những ngày này, ông tích cực đến các hộ tuyên truyền bà con nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng và không tập trung đông người.

Ông Thào Quán Dín tuyên truyền cho thành viên trong họ chấp hành quy định phòng dịch.

Ông Thào Quán Dín tuyên truyền cho thành viên trong họ chấp hành quy định phòng dịch.

Qua trò chuyện với ông Dín tôi được biết, mô hình Dòng họ Thào tự quản về an ninh, trật tự tại tổ dân phố Gia Khâu được thành lập từ năm 2014 với 40 hộ tham gia (hiện mô hình có 65 hộ thành viên). “Trước khi mô hình được thành lập, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, một số thành viên trong dòng họ vượt biên trái phép hoặc người bên kia biên giới sang chơi nhưng chủ hộ không thông báo cho cơ quan chức năng. Từ khi thành lập mô hình đến nay, dòng họ Thào luôn giáo dục, động viên con cháu gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương”, ông Dín cho biết.

Quy ước của họ Thào quy định rõ: Các gia đình phải cho con đi học đầy đủ, chấp hành tốt quy định của pháp luật; không tham gia buôn bán và sử dụng các chất ma túy; không cho con, em tảo hôn và kết hôn cận huyết thống… Nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị phạt theo quy định và nêu tên tại các buổi họp dòng họ. Nhờ đó, nhiều năm qua, dòng họ Thào không có người mắc tệ nạn xã hội, những vướng mắc như tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, trộm cắp vặt, uống rượu say gây rối trật tự công cộng không xảy ra, các mâu thuẫn phát sinh đều được trưởng dòng họ và các thành viên tổ tự quản giải quyết dứt điểm...

Mô hình Dòng họ Lục tự quản về an ninh, trật tự ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương được thành lập năm 2009 với 27 thành viên. Thời gian này, bên cạnh tuyên truyền bà con giữ an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới, ông Lục Thượng Khiêm, Trưởng dòng họ và các thành viên tổ tự quản dòng họ Lục có thêm nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên trong tổ tự quản có trách nhiệm giám sát cộng đồng, nếu phát hiện cá nhân hoặc gia đình nào không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch sẽ xét vào thi đua. Theo quy chế hoạt động, hằng tháng, dòng họ cử thành viên tham gia cùng lực lượng công an, biên phòng tuần tra khu vực đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm về an ninh, trật tự. Trong các cuộc họp của dòng họ, trưởng dòng họ luôn nhắc nhở các thành viên chấp hành tốt quy định của pháp luật về hộ tịch, hộ khẩu, tự giác giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ, tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông...

Còn tại tổ 3, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa, những năm qua, mô hình Dòng họ Châu tự quản về an ninh, trật tự cũng có nhiều đóng góp trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Theo quy ước của dòng họ (khi không xảy ra dịch bệnh), ngày 23, 24 hằng tháng, tất cả thành viên tham gia mô hình có mặt để nghe trưởng dòng họ và các thành viên tổ tự quản truyền đạt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền bà con giữ đoàn kết, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa…

Với vai trò hạt nhân từ cơ sở, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động của các tổ tự quản, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. 5 năm qua, người dân đã cung cấp hơn 5.300 nguồn tin, trong đó hơn 3.200 tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng làm rõ gần 3.200 vụ, việc, khởi tố điều tra gần 2.000 vụ với hơn 3.100 bị can; tỷ lệ điều tra, xử lý án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.
Với sứ mệnh của mình, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự nói chung và dòng họ tự quản nói riêng đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong giữ gìn bình yên trong mỗi thôn, bản, gia đình.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346468-quy-uoc-gop-phan-giu-an-ninh-trat-tu