QUYỀN ĐỐI VỚI TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP QUY ĐỊNH MỞ NHƯNG PHẢI CÓ KIỂM SOÁT

Sáng 16/11, cho ý kiến với Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, lập luận kỹ hơn các nội dung còn hai phương án để sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình Quốc hội một phương án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt Kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt Kỳ họp thứ 6

Theo Báo cáo Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34) được thiết kế theo 2 phương án.

Phương án 1: đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Mặc dù là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập, nhưng do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên Phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).

Phương án 2: đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Báo cáo số 598/BC-CP đề xuất theo hướng này. Do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ, Phương án này tiềm ẩn rủi ro bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành một ngày làm việc (ngày 03/11/2023) để thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành một ngày làm việc (ngày 03/11/2023) để thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thảo luận tại hội trường về nội dung này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội chọn phương án 1 vì đối chiếu với quy định về quyền và nghĩa vụ được làm, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được chủ động, có cơ chế tận dụng quỹ đất để đang quản lý, sử dụng gia tăng nguồn thu cho đơn vị. Giảm thiểu rủi ro trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật dân sự; tài sản trên đất bị tịch thu, kê biên đương nhiên cũng bị xử lý cùng một lúc. Quy định này góp phần bảo toàn tài sản, không được sử dụng tài sản nhà nước để thực hiện các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự khác. Ngoài ra, quy định này hạn chế việc thất thoát tài sản của nhà nước, đặc biệt trường hợp cố ý tạo lập tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước, đem thế chấp hoặc thực hiện quan hệ dân sự khác.

Các ý kiến chọn phương án này cho rằng phải có những hạn chế nhất định trong quy định việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này, không nên trao đầy đủ quyền như các tổ chức kinh tế, bởi: đơn vị sự nghiệp công lập là pháp nhân được thành lập, bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước theo quy định của pháp luật và có chức năng cung cấp các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước.

Xuất phát từ đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan của nhà nước nên việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dễ dàng thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Vì vậy, nếu đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước cho thuê đất hằng năm cũng được trao quyền đầy đủ như tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Nếu trao quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập, thuê đất trả tiền hằng năm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, không bảo toàn đất nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, bởi vì việc tách bạch giữa sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rất khó khăn. Đồng thời, theo quy định của pháp luật dân sự, khi phải xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thì đất sẽ được xử lý đồng bộ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến chọn phương án 2 vì để các đơn vị này có thể bảo đảm tự chủ tài chính, giảm áp lực với ngân sách nhà nước.

Có ý kiến đề xuất phương án loại trừ quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Tuy nhiên, được quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất trên đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập và được quyền cho thuê quyền thuê trong trường hợp dự án có sử dụng đất, góp phần và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở các ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, dự thảo Luật tiếp tục thiết kế 02 phương án. Phương án 1: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Phương án 2: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn Phương án 1. Do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên Phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đối với quyền của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, quy định mở nhưng phải có kiểm soát, mở có mức độ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập từ trước đến giờ không có vấn đề gì. Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" cũng không quy định vấn đề này.

Nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập có tự chủ đến đâu thì vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập chứ không phải là một doanh nghiệp, cho nên không thế chấp, chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất thuê hàng năm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định mở đến mức độ như hiện nay là phù hợp để từ đó sau này sẽ có tổng kết và tính toán sửa đổi, bổ sung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thống nhất phương án mở có kiểm soát, tức là không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ đất của đơn vị sự nghiệp công lập là được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng. Tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản công. Trong trường hợp mang đi thế chấp kinh doanh vỡ nợ, ngân hàng tịch thu, siết nợ thì lúc đó mất cả đơn vị sự nghiệp công lập, mất cả bệnh viện, mất cả trường học thì làm sao? Chủ tịch Quốc hội nhắc lại quan điểm của Đảng, Nhà nước ta khẳng định đối với lĩnh vực y tế và giáo dục thì nguồn lực nhà nước vẫn là quan trọng nhất, vẫn là vai trò chủ đạo.

Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng quy định đơn vị sự nghiệp công lập hạch toán như doanh nghiệp nhưng không phải là doanh nghiệp, cho dù tự chủ 100% thì vẫn là đơn vị sự nghiệp công. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đối với đơn vị sự nghiệp công, tài sản công, đất đai công thổ cho quyền mở ra để tự chủ nhưng phải có mức độ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống nhất một phương án chỉnh lý và Chính phủ có ý kiến chính thức để trình Quốc hội.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến đối với nội dung về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng. Theo đó, đối với doanh nghiệp quân đội, công an là một doanh nghiệp, là một tổ chức kinh tế, khác với đơn vị sự nghiệp công, cho nên quyền và nghĩa vụ khác với đơn vị sự nghiệp công. Dự thảo Luật quy định theo hướng cho phép "chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thì chỉ được thực hiện trong nội bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt", có nghĩa là có “mở” nhưng lại có “khoanh”.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ phương án này bởi đây là doanh nghiệp được cho phép chuyển nhượng nhưng không cho chuyển tràn lan mà chỉ trong phạm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và theo phương án được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định này để mở ra trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp của quân đội và của công an mà vẫn bảo toàn được tài sản nhà nước./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82222