Quyết liệt chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp

Theo số liệu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), hiện nay cả nước có 20 doanh nghiệp (DN) có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt chấn chỉnh, bảo đảm hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho người dân.

Kinh doanh đa cấp là hoạt động nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các mô hình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa)

Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là 768.283 người. Tổng doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt khoảng 16.866 tỷ đồng, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 5.846 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp về ngân sách Nhà nước là khoảng 2.255 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2023, qua các đợt thanh tra, kiểm soát, Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 DN và 1 cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, với tổng số tiền 1,115 tỷ đồng. Thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp của DN được cấp giấy chứng nhận, hiện nay các đối tượng hoạt động bất chính có xu hướng chuyển sang các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi dẫn đến hoạt động này có diễn biến ngày càng phức tạp. Mặc dù nhóm đối tượng này bị pháp luật nghiêm cấm, không thuộc phạm vi quản lý, Bộ Công Thương cũng đã có những giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương cũng đã đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

Tại Thanh Hóa, theo thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 DN được xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, với gần 25.000 người tham gia. Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh đa cấp luôn được các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là sau khi Thanh Hóa triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.

Về phía Sở Công Thương, từ năm 2022 đến nay đơn vị đã tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế để phổ biến thông tin, nâng cao ý thức của các DN, đơn vị trong việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, các hình thức khuyến mại... theo đúng quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, khuyến cáo đến các tầng lớp Nhân dân về các hình thức lợi dụng bán hàng khuyến mại để thu lời bất chính, lừa đảo người tiêu dùng; thông tin, tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết quảng cáo, bán hàng, bán hàng đa cấp bất chính để người dân biết và nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo bán hàng, giới thiệu sản phẩm kèm theo thực hiện chương trình khuyến mại của các DN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhận biết dấu hiệu bán hàng đa cấp bất chính cho hơn 4.000 cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông đã biên soạn, in, cấp phát hơn 18.000 tờ rơi tuyên truyền các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; biên soạn hơn 3.000 cuốn cẩm nang tìm hiểu pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Các cơ quan truyền thông đã đăng tải nhiều tin, bài phản ánh về hoạt động kinh doanh đa cấp.

Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội bổ sung Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2017 về tội vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý sớm các vụ việc lừa đảo lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, tránh để thiệt hại xảy ra quá lớn và có đơn tố cáo mới xử lý theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với các hành lang pháp lý mới quyết liệt hơn, sẽ tạo cơ sở cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời, với mức xử phạt đủ sức răn đe để ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quyet-liet-chan-chinh-hoat-dong-ban-hang-da-cap-217983.htm