Quyết liệt thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược), NHNN và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan đã tích cực triển khai thực hiện.

Nhiều giải pháp được triển khai

Tại báo cáo của NHNN gửi Quốc hội và các ĐBQH trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã chủ động, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể:

Khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trong đó bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) theo đó đã quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Luật các TCTD (sửa đổi) trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM), chương trình, dự án TCVM, Ngân hàng hợp tác xã (NHHTX), quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), bổ sung quy định về hoạt động đại lý thanh toán; Luật Căn cước trong đó có quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Luật Giao dịch điện tử tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả ngành, lĩnh vực.

Đến nay, các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển mạng lưới hoạt động trên phạm vi cả nước và sắp xếp lại mạng lưới hiện có hợp lý hơn, hướng tới phục vụ những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phát triển ngày càng đa dạng, nhất là các kênh phân phối hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt, được chú trọng phát triển với nhiều tiện ích, chi phí thấp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Cơ sở hạ tầng tài chính, nhất là hạ tầng thanh toán, tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện nhằm thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử; triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tuyên truyền về Chiến lược và triển khai các chương trình tăng cường kiến thức tài chính cho người dân, doanh nghiệp; kiến thức về tài chính được biên soạn và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Mục tiêu tài chính toàn diện được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương đến năm 2025, tạo sự lan tỏa cả về phạm vi và quy mô triển khai của Chiến lược.

NHNN là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Tuân Nguyễn.

NHNN là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Tuân Nguyễn.

Những tồn tại, hạn chế và cách khắc phục

Báo cáo của NHNN cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai Đề án.

Với sự phát triển không ngừng, nhanh chóng của khoa học công nghệ, khuôn khổ pháp lý còn chưa bắt kịp được xu thế phát triển của thị trường tài chính.

Mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Do đó, NHNN cho rằng cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù phù hợp với các đối tượng khách hàng. Việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ tài chính số, của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế vẫn còn hạn chế.

Thực tiễn điều hành của các bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chưa theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ; Địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa mật độ dân cư thưa, kinh tế chưa phát triển nên các TCTD gặp khó khăn khi mở rộng mạng lưới giao dịch; Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, còn thiếu kiến thức, hiểu biết về tài chính toàn diện, còn e ngại sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới; Những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế, thị trường tài chính quốc tế cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược.

Do đó, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược, trong đó tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng với mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Nguyễn Ngọc Tuân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quyet-liet-thuc-hien-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-quoc-gia-2287009.html