Quyết liệt xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT); góp phần gìn giữ bình yên cho Thủ đô.

Tăng cường phòng, chống đua xe trái phép

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng, triển khai nhiều Kế hoạch chỉ đạo các đơn vị tăng cường phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, nẹt bô, rú ga gây rối trật tự công cộng trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, đã bố trí các Tổ công tác 141 phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức lực lượng công khai và hóa trang, thường xuyên, đột xuất tuần tra lưu động trên các tuyến đường, kết hợp cắm chốt tại những khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra đua xe trái phép, điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đồng thời, đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố, các biện pháp, chế tài xử lý của các cơ quan chức năng đối với các hành vi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép để người dân biết, lên án hành vi trên và ủng hộ các hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, xử lý.

Thời gian quan, nhiều đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép bị lực lượng chức năng xử lý.

Thời gian quan, nhiều đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép bị lực lượng chức năng xử lý.

Mặc dù lực lượng chức năng, nhất là các Tổ công tác 141 đã nhiều lần triển khai các phương án bắt giữ cũng như hóa trang tuần tra, đồng thời tuyên truyền sâu, rộng, tuy nhiên, các đối tượng đa số là thanh thiếu niên, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên vẫn điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô tạo tiếng ồn lớn vì lý do là đam mê hoặc “thể hiện mình”, gây mất trật tự công cộng.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã nhiều lần ghi nhận thực tế cùng lực lượng chức năng và thấy rằng, tình trạng trên chủ yếu diễn ra vào buổi tối, ban đêm, khi lưu lượng phương tiện vắng, mặt đường rộng, người điều khiển chạy với tốc độ cao nên việc dừng xe, kiểm tra rất khó khăn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Theo lãnh đạo Công an Thành phố, thời gian tới, Công an Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, tổ chức nắm tình hình, xác định tuyến, thời gian cụ thể, huy động các Tổ công tác 141 tổ chức kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt bô gây rối trật tự công cộng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, công tác triển khai của các Tổ công tác 141 để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội.

Không để học sinh vi phạm luật giao thông

Năm 2024, Công an Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 15/2/2024 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó tập trung các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác.

Học sinh Trung học phổ thông hầu hết chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn sử dụng xe trên 50cm3. (Ảnh minh họa)

Học sinh Trung học phổ thông hầu hết chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn sử dụng xe trên 50cm3. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, chỉ đạo Công an cấp quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở...

Thời gian tới, Công an Thành phố sẽ chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn tổ chức vận động, tuyên truyền tới các gia đình có con em trong lứa tuổi học sinh, đề nghị gia đình ký cam kết quản lý con em không để vi phạm Luật giao thông, quản lý chặt chẽ phương tiện của gia đình (mô tô, xe máy...); thực hiện công tác tuyên truyền tại các điểm trường trung học cơ sở, trường tiểu học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các điểm trên vào các khung giờ đi học, tan học; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm các trường hợp học sinh điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT tại khu vực cổng trường và trên các tuyến giao thông xử lý nghiêm theo quy định đồng thời gửi thông báo về cho nhà trường và phụ huynh để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp.

Tăng cường xử lý phụ huynh, người điều khiển, phương tiện chở học sinh không đảm bảo an toàn, vi phạm TTATGT và hành vi giao xe chở người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong quý I/2024, Công an Thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.615 trường hợp vi phạm TTATGT là học sinh, phạt tiền (ước tính) 829,765 triệu đồng, tạm giữ 720 mô tô, xe máy và 28 phương tiện khác. Trong đó đã xử lý 317 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy; 40 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển; 1.492 trường hợp học sinh vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm; 1 trường hợp phương tiện vận chuyển, đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

H.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-xu-ly-vi-pham-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-173108.html