Quyết tâm xây dựng quê hương Triệu Phong ngày càng đổi mới, vững mạnh toàn diện

Triệu Phong là huyện đồng bằng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết cấu hạ tầng bị tàn phá nặng nề, hầu hết làng mạc đều đổ nát, hoang tàn; ruộng đồng hố bom, hố pháo nham nhở. Sau ngày quê hương được giải phóng, đặc biệt là từ ngày huyện Triệu Phong được lập lại (1/5/1990), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Triệu Phong nỗ lực bước vào cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng gian lao, hiểm nguy; mồ hôi, máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí lại tiếp tục đổ xuống trên đường cày vỡ đất, khai hoang phục hóa, xây dựng lại cơ đồ từ trong hoang tàn, đổ nát. Đứng trước bộn bề khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên, không chấp nhận đói nghèo, tụt hậu; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tinh thần yêu nước nồng nàn hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cùng với tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn lực của cấp trên, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Triệu Phong đã lãnh đạo Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả to lớn và bền vững.

* LÊ CẢNH BIÊN - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Triệu Phong

Kinh tế phát triển khá toàn diện, giá trị các ngành sản xuất cuối năm 2019 đạt 4.630 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 11,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm, tăng hơn 45 lần so với năm 1991.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Triệu Phong đã có những chuyển biến đáng khích lệ trên các vùng. Vùng đồng bằng sản xuất nông nghiệp nhiều năm liên tục được mùa. Diện tích các giống lúa có năng suất, chất lượng cao tăng nhanh, năng suất lúa đạt 56,5 tạ/ha/vụ. Sản lượng lương thực đạt 65.000 tấn, tăng 2,16 lần so với năm 1991. Huyện đã thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng phương thức sản xuất theo hướng canh tác tự nhiên và đã xây dựng được thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”. Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại nuôi trồng các loại cây, con mới… đưa lại hiệu quả kinh tế cao; chương trình zê bu hóa đàn bò, nuôi bò nhốt và một số ngành nghề mới như may mặc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang phát triển. Kinh tế vùng gò đồi đã có chuyển biến thông qua các chương trình cải tạo vườn tạp, trồng rừng kinh tế, quản lý và chăm sóc rừng phòng hộ, trồng cao su tiểu điền; đồng thời phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại nông- lâm kết hợp. Đối với vùng cát, nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, xây dựng các làng sinh thái kết hợp việc cải tạo vùng cát, chống cát bay, cát lấp; phong trào nuôi tôm trên cát đang được áp dụng nhiều công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đến nay đã có 10/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 55,5%.

Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng. Đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Cụm công nghiệp- làng nghề Ái Tử đã đi vào hoạt động; Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lấp đầy các dự án, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động. Thương mại, dịch vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân theo hướng nâng cao chất lượng và tiện ích. Nhiều chợ nông thôn đã được xây dựng đưa vào hoạt động tạo điều kiện đẩy mạnh việc giao thương trao đổi hàng hóa, từng bước hình thành một số thị tứ, trung tâm tiểu vùng trên địa bàn.

 Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong tại thành phố Đông Hà. Ảnh: PV

Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong tại thành phố Đông Hà. Ảnh: PV

Từ nhiều nguồn vốn, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ làm tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các công trình thủy lợi, giao thông được đầu tư xây dựng và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống. Mạng lưới điện đã phủ kín 18/18 xã, thị trấn với 100% số hộ dân được sử dụng điện sáng và sản xuất.

Thu ngân sách của huyện không ngừng tăng lên qua từng năm (năm 1991 đạt 1,380 tỉ đồng, đến năm 2019 đạt 62,8 tỉ đồng). Hệ thống tín dụng ngân hàng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tiền tệ của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân trong huyện đã quan tâm chăm lo phát triển văn hóa xã hội, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” được đẩy mạnh, đến nay đã có 175/175 làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị được công nhận là đơn vị văn hóa, 17/17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Ái Tử đạt chuẩn văn minh đô thị. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, 100% giáo viên ở các cấp học có trình độ chuẩn. Hệ thống trường lớp và trang thiết bị dạy học được đầu tư hoàn thiện. Huyện luôn chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; hộ nghèo giảm còn 3,62%, đến nay đã cơ bản xóa nhà tạm bợ dột nát cho hộ nghèo. Thực hiện tốt chính sách đối với gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Sự nghiệp y tế, dân số, gia đình và trẻ em có nhiều tiến bộ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy như: Lễ hội chợ Đình Bích La, lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội Bài chòi…

 Mùa gặt ở Triệu Phong. Ảnh: Trần Ba

Mùa gặt ở Triệu Phong. Ảnh: Trần Ba

Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được chú trọng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố. Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội. Từ đó niềm tin của Nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.

Với những thành tựu đạt được, Triệu Phong vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2010 và Huân chương Độc lập năm 2015. Đây là phần thưởng cao quý và là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện quê hương.

Mục tiêu của Đảng bộ và Nhân dân toàn huyện trong thời gian tới là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn đảng bộ; tăng cường sự đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận của xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, con người theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường giữ vững quốc phòng - an ninh. Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025”. Để hoàn thành mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:

Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng; tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ; chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển; huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo bước đột phá mới về tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, y tế, dân số, gia đình và trẻ em; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân; làm tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức; chủ động nắm chắc tình hình; tăng cường chỉ đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vụ việc phát sinh, không để phức tạp, kéo dài, không để ảnh hưởng tới an ninh, trật tự trên địa bàn. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể theo hướng thiết thực, sát cơ sở, địa bàn dân cư. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thứ tư, tập trung chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn riêng trong xây dựng Đảng, cũng như lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó chú trọng hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, nhất là về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phát huy vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Triệu Phong anh hùng và truyền thống đoàn kết của toàn đảng bộ; phát huy đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của Nhân dân, đồng thời tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương. Cùng với toàn Đảng, Nhân dân cả nước và tỉnh nhà đẩy mạnh thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương, đất nước; quyết tâm xây dựng Triệu Phong thành một huyện vững mạnh toàn diện, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và sớm trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147985