Ra mắt cuốn sách chuyên khảo về hệ thống các quán Đạo giáo từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17
Cuốn sách 'Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam' của TS. Nguyễn Thế Hùng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành là một công trình chuyên khảo có giá trị, làm nổi bật vai trò của Đạo giáo, đặc biệt là hệ thống các quán Đạo giáo trong giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI - XVII.
Tác giả đưa người đọc trở về thời kỳ mà hệ tư tưởng Nho giáo, vốn chi phối triều chính và đạo đức xã hội, bắt đầu bộc lộ dấu hiệu khủng hoảng. Trong bối cảnh ấy, tầng lớp trí thức và quan lại, những người từng là trụ cột của hệ thống Nho học đã bắt đầu tìm đến một không gian tư tưởng khác: Đạo giáo. Với triết lý ẩn dật, siêu thoát và sống thuận theo Đạo, tức thuận theo lẽ tự nhiên, Đạo giáo trở thành “nơi nương náu tinh thần” của những con người ưu thời mẫn thế. Tác giả nhận định: “Dường như họ đã tìm được trong thế giới ấy sự an yên, siêu thoát giữa những vòng chuyển xoay vô định của xã hội” (Trích đoạn tr.8).

Sự chuyển hướng tư tưởng này không phải là hiện tượng cá biệt. Trong chính trị đương thời, nhà Mạc, triều đại vốn đang chật vật tìm kiếm tính chính danh sau khi giành quyền lực từ nhà Lê đã lựa chọn Đạo giáo, đặc biệt là Đạo giáo thần tiên, như một công cụ củng cố quyền lực về mặt tinh thần.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Thế Hùng, việc nhà Mạc chú trọng xây dựng và tôn sùng hệ thống quán Đạo giáo là chiến lược mang tính biểu tượng, sử dụng triết lý siêu thoát của Đạo giáo để hóa giải mâu thuẫn xã hội, bù đắp cho sự khủng hoảng chính trị, và định hướng một hình mẫu nhà cầm quyền “thuận thiên”.
Nhà nghiên cứu viết: “Nhà Mạc muốn quảng bá Đạo giáo thần tiên, tức là quảng bá những triết lý Đạo giáo có chứa đựng triết lý Nho giáo để bù đắp cho sự khủng hoảng tư tưởng đương thời” (Trích đoạn Tr.254-255).
Tuy nhiên, ở một hướng phát triển khác, nhà Lê Trung hưng cũng không đứng ngoài cuộc. Trong tác phẩm, TS. Hùng đưa ra một giả thuyết khoa học đáng chú ý: phải chăng sự ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, cùng hệ thống thờ tự và các vị tiên bản địa là một phản ứng văn hóa - tôn giáo của nhà Lê Trung hưng trước sự “chính trị hóa” Đạo giáo của nhà Mạc? Tác giả đặt câu hỏi: “Đây là một xu hướng khác của Đạo giáo hay là quá trình bản địa hóa của Đạo giáo ở Việt Nam ở thế kỷ XVI? Đây có phải là cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung hưng?” (Trích đoạn Tr.255). Những giả thuyết này không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn gợi mở hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng, tôn giáo Việt Nam, nơi không có những đường biên cứng nhắc mà luôn diễn ra quá trình tương tác, đối thoại và bản địa hóa.

Tác giả cuốn sách - TS Nguyễn Thế Hùng
Cuốn sách cũng cho thấy rõ rằng, trong suốt thời kỳ lịch sử ấy, các quán Đạo giáo không đơn thuần là nơi thờ tự thần linh, mà còn là biểu hiện vật chất của các dòng chảy tư tưởng, phản ánh sự “hỗn dung tôn giáo” - một nét đặc trưng của văn hóa Việt. Nơi đây, người ta không chỉ thờ Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Huyền Thiên Trấn Vũ mà còn thờ cả các vị thần dân gian, Mẫu thần, thậm chí kết hợp cả tượng pháp Phật giáo. Đó là minh chứng cho một xã hội mà các tôn giáo không đối đầu, mà “hòa tan vào nhau trong lòng dân tộc”, như một cách ứng xử linh hoạt với thế giới tâm linh.
Với việc tiếp cận từ thực tiễn khảo cứu tại các quán Đạo giáo vùng Hà Tây xưa, đồng thời đặt các hiện tượng kiến trúc tượng pháp, nghi lễ trong tương quan lịch sử và tư tưởng, TS. Nguyễn Thế Hùng đã mang lại cho người đọc cái nhìn sắc sảo, đa chiều về một giai đoạn lịch sử mà tôn giáo không chỉ là cứu cánh tinh thần, mà còn là “công cụ mềm” của chính trị, là nơi thể hiện những va chạm, đối thoại và tiến hóa trong tư tưởng dân tộc.
Từ những luận điểm chặt chẽ và dẫn chứng phong phú, cuốn sách “Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam” không chỉ góp phần làm sáng tỏ vai trò của Đạo giáo trong lịch sử Việt Nam, mà còn nhấn mạnh một điều quan trọng: mọi cuộc chuyển mình trong tư tưởng đều gắn liền với các biểu tượng văn hóa cụ thể, và di tích tôn giáo là nơi lưu giữ những chuyển động ấy qua thời gian.
Tác giả-TS. Nguyễn Thế Hùng từng giữ chức Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Từ 2019 -2020, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ 2009 - 2019. Từ năm 2020 đến tháng 3/2025, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ tháng 4/2025 đến nay, ông nghỉ hưu theo chế độ.