Rà soát phương án để chợ truyền thống hoạt động trở lại

Công tác kiểm soát người ra vào tại chợ phường 7, TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

Sau hơn 2 tháng dừng hoạt động, hiện một số chợ truyền thống được các địa phương lập phương án, rà soát điều kiện để có thể hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa, thực phẩm của người dân.

Đảm bảo điều kiện hoạt động

Đến nay, đa số địa phương đã giảm cấp độ giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trừ 7 xã, phường: Phú Đông, 2, 3, 4, 6, 9 và xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong tình hình này, các chợ truyền thống có thể hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Để các chợ hoạt động trở lại, Sở Công thương đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại điều kiện, phương án theo nội dung hướng dẫn của sở; tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch, bố trí đủ lực lượng để cùng phối hợp với đơn vị quản lý chợ hướng dẫn người dân mua bán; áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các khu vực thực hiện chỉ thị 15, 16.

Tại TP Tuy Hòa, địa phương có 13/14 chợ phải tạm dừng hoạt động, UBND TP Tuy Hòa đã có văn bản yêu cầu các xã, phường thực hiện Chỉ thị 15 phối hợp cùng Phòng Kinh tế thành phố kiểm tra, đánh giá các chợ để tham mưu UBND thành phố cho phép hoạt động trở lại từ ngày 7/9. Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Trước mắt, các chợ chỉ được phép mở bán hàng hóa, thực phẩm thiết yếu theo hướng dẫn của Sở Công thương với số lượng gian hàng tối đa bằng 30% tổng số gian hàng tại chợ. Thời gian hoạt động của các chợ bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc không quá 10 giờ hàng ngày. Tiểu thương tham gia mua bán phải đảm bảo các yêu cầu: không sinh sống tại các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, được thực hiện lấy mẫu 7 ngày/lần... Tuy nhiên trước khi chợ hoạt động trở lại, UBND các xã, phường chủ trì phối hợp các đơn vị quản lý chợ trình phương án và được UBND TP Tuy Hòa phê duyệt; phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch, tổ chức kiểm soát trong suốt thời gian chợ hoạt động.

Bà Trần Thị Tú Hà, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, TP Tuy Hòa, cho hay: Tổng số tiểu thương của chợ An Phú gần 300 người, trong đó khoảng 100 người đã được tiêm vắc xin, số còn lại tiếp tục chờ phân bổ vắc xin từ TP Tuy Hòa. Để chợ vừa hoạt động phục vụ nhu cầu người dân vừa đảm bảo công tác phòng dịch, UBND xã đang rà soát phương án, xây dựng kế hoạch cụ thể và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, phù hợp với hoạt động chợ.

Còn theo ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, xã này có 1 chợ trung tâm và 1 chợ quy mô nhỏ ở thôn Minh Đức. UBND xã dự kiến chỉ cho chợ trung tâm xã hoạt động lại. Tuy nhiên do tiểu thương bán ở chợ này không chỉ có người dân trong xã mà còn ở những nơi khác đến như xã An Phú, phường 9, hay một số nơi của huyện Phú Hòa; nên các lực lượng triển khai chốt chặn khu vực xung quanh để có thể kiểm soát số lượng người ra vào chợ. Đồng thời kiểm tra, khử khuẩn vật dụng, khuôn viên chợ; tiếp đó là tổ chức xét nghiệm, rà soát danh sách để lần lượt tiêm vắc xin cho tiểu thương. Vậy nên thời gian chợ hoạt động trở lại phải sau ngày 10/9.

Kiểm soát mật độ người mua, bán

Theo Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc mở lại chợ, bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, các địa phương, ban quản lý chợ cần có biện pháp kiểm soát mật độ người mua bán; yêu cầu tất cả xe vận chuyển hàng hóa ra vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển để cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết. Các địa phương lập tổ tăng cường hỗ trợ phòng dịch tại chợ; bố trí số điện thoại hotline 24/24 để tiếp nhận và hỗ trợ liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Ông Hà Bích Sơn, Chủ tịch UBND phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: Chợ phường 7 vẫn tuân thủ các hình thức phòng dịch, chỉ cho khoảng 20 tiểu thương bán hàng thiết yếu, duy trì phân luồng lối ra, vào; phát phiếu… UBND phường, ban quản lý chợ tiếp tục lập kế hoạch để định kỳ test nhanh cho tiểu thương mua bán tại chợ. Ban điều hành chợ cũng phân công công việc cụ thể, tích cực tiến hành các biện pháp để hoạt động chợ diễn ra nghiêm túc, an toàn.

Ở các địa phương khác, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, công tác chỉ đạo điều hành, các biện pháp phòng, chống dịch cũng được quán triệt, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn từ các cấp. Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đồng Xuân, với một số chợ tạm ngừng hoạt động trước đây, đơn vị đã phối hợp với các xã tổ chức rà soát, kiểm tra các vấn đề liên quan. Qua đó nhận thấy, các chợ đảm bảo điều kiện hoạt động như phương án đã được xây dựng và có thể tổ chức hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, ban quản lý các chợ thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, không để dịch bùng phát…

Cùng với việc kiểm soát mật độ người mua bán, các địa phương vẫn phải thực hiện đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn khu vực chợ; kiểm soát người mua bán, làm việc tại chợ, yêu cầu người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch...

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương

VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/263752/ra-soat-phuong-an-de-cho-truyen-thong-hoat-dong-tro-lai.html