Rà soát toàn diện, xử lý tận gốc hệ thống thoát nước
Sau những trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (WIPHA), nhiều khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình trạng ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản khẩn, yêu cầu rà soát toàn diện, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để ứng phó, xử lý triệt để các điểm ngập, lụt tồn tại lâu năm.
Khu vực đô thị trung tâm tỉnh Thanh Hóa đang trải qua một trong những đợt ngập úng nghiêm trọng nhất trong năm, khi mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (WIPHA) trút xuống liên tục nhiều ngày qua.
Nhiều tuyến đường chính và khu dân cư tại các phường Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, cùng các khu vực Phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn bị nước lũ bao vây, giao thông tê liệt, sinh hoạt người dân hoàn toàn đảo lộn.

Nhiều tuyến đường, khu dân cư tại khu vực đô thị tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu sau những trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3 – WIPHA, khiến giao thông và sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Ảnh: Nguyễn Linh
Đáng lo ngại, hệ thống tiêu thoát nước tại nhiều nơi hoạt động chậm chạp, gây ứ đọng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về tài sản.
Trước diễn biến này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc, tập trung xử lý hiệu quả các điểm ngập, lụt.
Theo đó, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các xã, phường liên quan tổ chức rà soát toàn bộ tình hình ngập úng trên địa bàn.
Mục tiêu là đánh giá chính xác thực trạng, phát hiện các điểm “nghẽn” trong hệ thống thoát nước, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo tiêu thoát nước nhanh, hiệu quả và bền vững.
Lãnh đạo tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc phải triển khai đồng bộ, bài bản các giải pháp nêu tại Thông báo số 86/TB-UBND ngày 11/5/2025. Trong đó, yêu cầu Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, UBND các phường, xã tăng cường quản lý hệ thống thoát nước mưa, hồ điều hòa theo đúng quy định của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quyết định mới nhất của tỉnh.
Các đơn vị được yêu cầu thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm như: nạo vét định kỳ toàn bộ hệ thống cống, rãnh, hố ga, kênh mương; kiểm tra, đánh giá chất lượng và tình trạng vận hành của các công trình trong mạng lưới thoát nước; lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa và đầu tư mới phù hợp với nhu cầu thoát nước theo lưu vực.
Đồng thời, thực hiện vệ sinh lòng hồ, bờ hồ điều hòa và duy trì khả năng chứa, điều tiết nước tại các điểm trọng yếu.
Riêng đối với các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì chỉ đạo các công ty quản lý công trình như Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã, Nam Sông Mã... tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến sông, kênh, trục tiêu thường xuyên, đảm bảo dòng chảy thông suốt, nhất là tại các khu vực phường Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, cùng khu vực các Phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn, những điểm nóng ngập úng mỗi mùa mưa đến.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu tất cả các xã, phường trên toàn tỉnh tự rà soát hệ thống thoát nước hiện có, chủ động xử lý những bất cập trong thẩm quyền.
Với các vấn đề vượt quá khả năng, cần nhanh chóng báo cáo về Sở Xây dựng để được hướng dẫn hoặc tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét.
Đối với các khu đô thị mới, vốn là nơi thường xuyên bị phê phán vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra toàn diện việc đấu nối hạ tầng, bảo đảm kết nối hiệu quả với hệ thống thoát nước chung của khu vực, tránh tình trạng “bê tông hóa không lối thoát”, nguyên nhân chính khiến nước mưa không thể tiêu thoát kịp thời.
Động thái mạnh mẽ của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy quyết tâm không khoan nhượng trong công tác xử lý ngập lụt, một vấn đề đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân đô thị suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, để các giải pháp không chỉ dừng lại ở chỉ đạo trên giấy, cần có sự giám sát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng và hiệu quả thực hiện.
Bên cạnh đó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao từ các sở ngành và chính quyền địa phương, những “người giữ van nước” của hệ thống thoát nước đô thị.
Về phía người dân, sự chủ động, hợp tác, đặc biệt là việc không xả rác bừa bãi, không lấn chiếm kênh mương, cống rãnh… cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện tình trạng ngập úng.
Bởi dù chính quyền có đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho các công trình tiêu thoát nước, nếu dòng chảy vẫn bị bức tử bởi rác thải sinh hoạt và xây dựng thì ngập úng vẫn sẽ là bài toán không có lời giải.
Thời hạn cho báo cáo rà soát, đánh giá tình hình ngập úng được ấn định là trước ngày 15.8.2025. Dư luận đang chờ đợi một báo cáo thực chất, cùng những hành động cụ thể, quyết liệt để Thanh Hóa không còn là điểm đen mỗi mùa mưa đến.
Người dân không mong gì hơn ngoài việc được đi lại an toàn, được sống trong những đô thị sạch, thoát nước tốt, không phải thấp thỏm mỗi khi mưa trút xuống.
Những ngày mưa bão đã qua, nhưng bài toán quản lý đô thị trước biến đổi khí hậu còn đó và chính lúc này là lúc cần câu trả lời thuyết phục từ các cấp chính quyền. Không thể để các đô thị lớn trung tâm tỉnh Thanh Hóa mãi mãi vật vã trong làn nước đục ngầu, sau mỗi cơn mưa.