Rà soát, xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương rà soát, đánh giá và xử lý dứt điểm tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Trung tâm hành chính-chính trị quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: DUY LINH)

Trung tâm hành chính-chính trị quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: DUY LINH)

Việc bố trí, khai thác hiệu quả các trụ sở, nhà đất công không chỉ nhằm phòng tránh lãng phí, thất thoát, mà còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản công sau sắp xếp

Căn cứ Công điện số 80/CĐ-TTg ngày 1/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ, cùng yêu cầu từ Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, và chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát toàn bộ tài sản công, đặc biệt là những tài sản tại cấp huyện đã được bàn giao cho cơ quan, đơn vị cấp xã hoặc cấp tỉnh nhưng đến nay chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Những trường hợp này phải được tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, quyết định việc giao tài sản cho đơn vị tiếp nhận, bảo đảm không bỏ sót, không để thất thoát tài sản nhà nước. Quá trình rà soát cần đối chiếu với kết quả tổng kiểm kê tài sản công được thực hiện theo Quyết định số 213/QĐ-TTg, bảo đảm dữ liệu đầy đủ và chính xác.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, theo quy định tại Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 20/5/2025 và Nghị định số 186/2025/NĐ-CP, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm hoàn thành việc sắp xếp, điều hòa trụ sở làm việc trong nội bộ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đề án sắp xếp được phê duyệt.

Cùng với đó, các đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể về việc quản lý, sử dụng, xử lý các trụ sở không còn sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để tránh lãng phí. Việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của cơ quan, đồng thời làm gia tăng nguy cơ thất thoát tài sản công.

Nghiêm cấm bán tài sản gắn với đất

Trong văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương và bộ, ngành triển khai linh hoạt nhiều hình thức xử lý tài sản công, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cụ thể: có thể bố trí cho nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng chung trụ sở; duy trì hoạt động tại nhiều trụ sở trong giai đoạn đầu sau sắp xếp; hoán đổi, điều chuyển cơ sở giữa các đơn vị; hoặc chuyển đổi công năng trụ sở dôi dư cho các mục đích công như y tế, giáo dục, văn hóa, hành chính công, sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính lưu ý không áp dụng hình thức bán tài sản gắn liền với đất, trừ khi được phép theo quy định của pháp luật về tài sản công. Việc xử lý tài sản cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng quy định, lấy hiệu quả sử dụng lâu dài làm mục tiêu chính.

Đối với các tài sản không còn khả năng khai thác, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, có thể thực hiện phá dỡ, hủy bỏ theo quy trình để chuyển giao đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Đây là giải pháp cần thiết để tránh việc bỏ hoang tài sản gây lãng phí kéo dài.

Bộ Tài chính cho biết, đến nay số lượng trụ sở, nhà đất công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn trên phạm vi toàn quốc. Do đó, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể theo đúng quy định pháp luật; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp thực hiện chậm, không đúng quy định hoặc để xảy ra thất thoát.

Trong quá trình vận hành thực tế, nếu phát sinh bất cập từ các cơ sở đã được bố trí làm trụ sở hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp, các địa phương cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại để bảo đảm điều kiện làm việc phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ công và thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng lưu ý các địa phương cần nhanh chóng phổ biến, cập nhật đầy đủ các quy định mới về quản lý và sử dụng tài sản công tới tận cấp xã. Các đơn vị cần căn cứ vào các nghị định, quyết định hiện hành để xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công cho từng đối tượng, từng cấp quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện đầu tư, mua sắm, bố trí và xử lý tài sản công đúng quy định, tránh phát sinh lãng phí, đầu tư vượt định mức hoặc sai mục đích.

Theo quy định hiện hành, chậm nhất vào ngày 25 hàng tháng, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo tình hình bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Tài chính theo mẫu quy định kèm theo văn bản hướng dẫn. Việc gửi báo cáo được thực hiện thông qua Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công do Bộ Tài chính xây dựng và quản lý.

Riêng đối với tháng 7/2025, ngoài nội dung báo cáo định kỳ, các đơn vị được yêu cầu bổ sung thêm ba nội dung quan trọng như: tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền đối với công tác xử lý tài sản công; kết quả xây dựng kế hoạch xử lý nhà, đất dôi dư; đánh giá toàn diện tình hình rà soát, bố trí, cải tạo trụ sở sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Hạn cuối gửi báo cáo bổ sung là trước ngày 27/7/2025.

Bộ Tài chính khẳng định, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và nghiêm túc các nội dung nêu trên là giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước; đồng thời góp phần xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiện đại, vận hành hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

MINH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-soat-xu-ly-dut-diem-tai-san-cong-doi-du-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post896410.html