Rạng rỡ Việt Nam

Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và kết thúc bằng ngày 30/4 là dấu mốc lịch sử khi cả dân tộc ta đã thực hiện được ước nguyện, mong muốn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'.

TP Hồ Chí Minh trong ngày vui lớn. Ảnh: Ngọc Chung

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng “Ngày hội toàn thắng” vẫn luôn âm vang trong mỗi con dân nước Việt niềm hân hoan, tự hào dâng tràn từ tột cùng cảm xúc như lời bài hát: “Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam… Tổ quốc anh hùng!”.

Để non sông thu về một mối, Tổ quốc ta liền một dải, lớp lớp người Việt Nam, các thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu trong suốt hơn một thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước mà đỉnh điểm là "cuộc chiến 10.000 ngày" nhằm đưa chân lý ấy trở thành hiện thực. Đó là điều mà những thế hệ hôm nay cũng như sau này luôn phải khắc ghi để nâng niu, trân quý, giữ gìn và thấu hiểu trách nhiệm của mình đối với đất nước và dân tộc.

Trong “Ngày hội toàn thắng” của đất nước hôm nay, thử hỏi mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, ai không có phút giây lắng lòng để suy nghĩ về những mất mát do chiến tranh gây ra.

Tại chiến trường miền Nam, ngày đất nước bị chia cắt, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào phân chia theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, 70% số gia đình ở miền Bắc đều có con em lên đường chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Và khoảng 3 triệu người Việt Nam đã nằm xuống ở khắp các chiến trường chỉ với mục tiêu duy nhất: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Người dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh Tư liệu

Trên trái đất này, có lẽ rất ít quốc gia có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như Việt Nam. Riêng tỉnh Quảng Trị, ranh giới cắt chia hai miền Bắc - Nam thời kháng chiến chống Mỹ đã có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang cấp quốc gia. Nếu như Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn anh hùng liệt sĩ, thì tại Côn Đảo - nơi suốt 113 năm được ví như "Địa ngục trần gian", nơi mà các thế lực thực dân và đế quốc nối tiếp nhau tra tấn, hành hạ và tàn sát nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước - đã có hơn hai vạn người con mãi mãi nằm lại.

Lại có những địa danh như Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn, hay đồi A Bia (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) nơi được mệnh danh là đồi "thịt băm", rồi đồi Sạc Ly và khu vực Đăk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum)… còn có những nghĩa trang không bia mộ mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta. Phải chăng vì lẽ đó, Lê Bá Dương đã thổn thức: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

Không còn con đường nào khác ngoài tinh thần cả dân tộc đứng lên vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ, cuộc chiến tranh chính nghĩa ấy đã thầm lặng thấm vào từng con người Việt Nam một cách bình dị.

Tác giả Hoàng Hiệp đã viết trong Đất quê ta mênh mông: “Mẹ đào hầm, mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Mẹ vẫn đào hầm. Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh”.

Để đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất, có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, trong đó rất nhiều người còn quá trẻ và không ít người hy sinh trước giờ chiến thắng, ngay tại cửa ngõ của Sài Gòn, trước khi từ giã cõi đời vẫn vẹn nguyên ý chí và niềm tin chiến thắng.

Sau này, những cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… đã cho chúng ta thấy rõ những khát khao về nền độc lập, thống nhất đất nước bỏng cháy của cả một lớp người, một thế hệ. Họ bước vào cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù mà chẳng ngại những mất mát, hy sinh cá nhân. Ấy cũng chính là những điều mà những người đứng bên kia chiến tuyến phải thừa nhận.

Ở đất thép Củ Chi anh hùng (TP Hồ Chí Minh), đội nữ du kích do Nguyễn Thị Nê, tức Bảy Nê làm đội trưởng (người mà năm 1967 đã vinh dự được viết thư báo cáo thành tích với Bác Hồ) có cả thảy 42 thành viên, hầu hết ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, nhưng tới Ngày chiến thắng, 24 người đã ngã xuống qua hơn 100 trận chiến đấu, diệt gần 500 tên địch, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay… Giờ đây, ngày hy sinh của chị Bảy Nê (tháng Mười Âm lịch) cũng làm ngày giỗ chung cho 24 người trong đội và cũng là dịp để họp mặt những người còn sống.

"...Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường…" - Câu trích văn bia "Đời đời ghi nhớ" tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ ở Bến Dược (Củ Chi) cho thấy những mất mát, đau thương đầy bi hùng của một thời không phải ai cũng muốn nhắc lại, nhưng những lớp người sau này cần phải biết để nâng niu, quý trọng, giữ gìn; để hiểu được giá trị những thành quả đất nước có được trong ngày hôm nay.

Chỉ tính riêng ở huyện Củ Chi thôi đã có 16 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, là quê hương của 32 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 782 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.800 người được phong danh hiệu Dũng sĩ…

“Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh, ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương” là vậy!

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vị thế của chúng ta hôm nay đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển. Nhưng xem ra, so sánh với những mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước mới thấy còn quá nhiều việc phải làm, phải chạy đua với thời gian.

Tôi nhớ như in câu chuyện của bà Nguyễn Thị Lắm, Phó Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Đoàn 962 Bến Tre. Người chồng là bộ đội địa phương trong kháng chiến chống Mỹ nhưng nay mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, đi lại khó khăn nên mọi việc trong gia đình một tay bà Lắm đảm trách.

Dịp kỷ niệm “50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển”, Bộ Tư lệnh Hải quân đã trao tặng gia đình một số tiền để sửa sang lại căn nhà tuềnh toàng, thông thống cửa trước cửa sau, bà Lắm đã nhận số kinh phí trên nhưng xin phép sử dụng số tiền đó để tu sửa căn nhà cho một nữ đồng đội giờ này vẫn một thân một mình khi đã dành cả tuổi xuân cho cuộc kháng chiến cứu nước. Hỏi chuyện, bà chỉ cười hiền lành bảo, mình được vậy so với đồng đội là hạnh phúc lắm rồi.

Rồi dịp thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn nối vào TP Kon Tum, tôi bần thần mãi mà không định hình nổi nơi ở của Đại úy A Ngớ, nguyên Thị đội phó Kon Tum, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương. Tên tuổi ông từng là nỗi kinh hoàng đối với các sư đoàn 22, 23 và các trung đoàn 42, 47 của ngụy quân Sài Gòn. Khi thực hiện dự án, gần 1ha trồng cà phê của ông trong diện giải phóng mặt bằng nên chỉ còn khoảng 20m2 ở phía sau.

Hỏi thăm qua điện thoại, ông nói, tính sẽ xây cái cửa hàng cho cậu con trai chưa có việc làm, nhưng khổ nỗi còn… kẹt kinh phí. Đúng là “súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”, nhưng ít người biết rằng ông A Ngớ giờ không còn họ hàng, thân thích bởi cả làng ông sống trên dãy Trường Sơn đã bị bom đạn của quân thù “xóa sổ" ngày kháng chiến, từ khi ông còn là chú bé, làm giao liên cho bộ đội…

Không chỉ có những trường hợp cụ thể như tôi đã từng biết, chắc chắn còn không ít người con trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc đã tự nguyện hy sinh, cống hiến lợi ích bản thân vì mục tiêu độc lập, tự do và no ấm của dân tộc, cả trong thời chiến và thời bình mà không chút mảy may cân nhắc thiệt hơn.

Họ mãi là những anh hùng gắn với huyền thoại của một thời máu lửa trên dọc mảnh đất mang hình chữ S này. Họ chính là những mảnh ghép làm nên thắng lợi hoàn toàn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để nước Việt Nam ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

TP Hồ Chí Minh ngày càng thay da đổi thịt, minh chứng cho một đô thị văn minh.

“Đất nước trọn niềm vui” nhưng điều đó mới chỉ chuẩn xác với một giai đoạn lịch sử. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và ngày mai là phải tiếp tục phát huy, phát triển sức mạnh của dân tộc trên một tầng cao mới, tạo nên những thắng lợi mới.

Con đường đó dù có không ít khó khăn, thách thức nhưng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để chúng ta bước tới để làm nên những Đại thắng mùa Xuân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cụ thể hóa mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu trong Nghị quyết.

Đó là đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, người dân có mức thu nhập cao.

“Nước non này ngàn năm, hùng thiêng tiếp bước cha ông/ Trên con đường đi tới, sáng soi với bao niềm tin… Viết lên trang sử vàng chói… Rạng rỡ Việt Nam!”.

Hoàng Thu Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rang-ro-viet-nam-767379.html