Rèn con nuôi người dân tộc Pa Cô

Từ năm 2019, các đơn vị thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế đồng loạt thực hiện mô hình 'Con nuôi đồn Biên phòng'. Từ đây, trẻ em ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành những con nuôi Biên phòng, được đón nhận tình yêu thương, chăm sóc tận tình của những người cha 'đặc biệt'. Những ông 'bố nuôi' này phải kiên trì, nhẫn nại với một số học sinh 'cá biệt', vì các em từng sống trong gia đình quá khó khăn, tuy mới học lớp 2 đã phải vác cuốc ra đồng làm việc, nên mọi nếp sống, sinh hoạt của các em đều không theo quy củ, nền nếp. Chuyện về cậu học sinh Lê Phi Lăng, người đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình.

Chị Lê Thị Nghĩa chia sẻ niềm vui với Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Ảnh: Văn Chương

Chị Lê Thị Nghĩa chia sẻ niềm vui với Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Ảnh: Văn Chương

Ngồi trong căn phòng của Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, cậu bé Lê Phi Lăng gấp cuốn sách có bài “Dế mèn bênh vực kẻ yếu” rồi nhìn ra sân. Nửa buổi chiều, phần lớn các chiến sĩ đều ra vườn tăng gia, còn phòng từ tầng 1 đến tầng 2 khối nhà của chỉ huy đều đang thấp thoáng bóng người làm việc. Cậu nhấp nhổm nhìn ra hông nhà, có một lối nhỏ mà con cún đen ở đồn thường chui tụt ra để đi lang thang về phía núi Tà Cùng. Cậu đã ghi nhớ con đường lỗ chỗ này và giờ là lúc đánh bài... chuồn.

Lăng đu người theo ống nước như một con nhện. Nhoáng cái đã ra khỏi đồn, cậu phóng thật nhanh đi chơi rồi mới ghé về nhà. Nhà cậu ở thôn A Năm, xã Hồng Vân, đây là ngôi nhà khá đặc biệt, vì nằm cạnh 3 chiếc hố sâu hình phễu, là lỗ bom do máy bay Mỹ thả xuống dày đặc dọc đường Hồ Chí Minh. Năm Lăng hơn 1 tuổi thì bố cậu, một người dân tộc Pa Cô qua đời vì bạo bệnh. Tuổi thơ của cậu là chuỗi ngày phóng xuống hố bom rồi lăn người xuống đất lấm lem.

Từ khi mới học lớp 2, Lăng đã phải vác cuốc ra đồng để làm việc, nhanh như một chú sóc. Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: “Cậu bé nhỏ con thế thôi mà đã ra đồng làm việc như người lớn”. Năm 2019, cậu bé người dân tộc Pa Cô được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhận về làm con nuôi. Mắt cậu bắt đầu quen dần với những tấm bảng treo trên từng cánh cửa, trong đó có dòng chữ trinh sát. Trinh sát có nghĩa là nắm tình hình để làm một việc gì đó. À, cậu đã nghĩ ngay ra việc phải trinh sát cho được một cái lỗ, để khi cần thì chuồn về nhà, hoặc ra suối chơi với bọn trẻ trong xóm. Cậu nghĩ: “ở đồn sướng thật, nhưng chỉ buồn vì không có bạn”.

Cậu bé có nước da đen nhẻm về đồn, các ông bố phải lập tức “sát hạch” ngay kiến thức, bởi vì con bộ đội không thể là học sinh có kết quả đội sổ. Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng và anh em đơn vị tròn xoe mắt ngạc nhiên vì là học sinh lớp 2, nhưng cậu vẫn ngọ nguậy với cây bút, viết không ra chữ, đọc cũng chả được những từ ghép có 3 chữ cái, bảng cửu chương thì càng mù tịt.

“Cháu thích gì nhất?” - lúc vắng vẻ, mấy chiến sĩ trẻ hỏi nhỏ và Lăng nói ngay là “Cháu chỉ thích đi chơi, không thích đi học, viết chữ mệt lắm”. Xét thấy tình hình học tập của Lăng quá đuối, anh em ở đồn Biên phòng bắt đầu phân công nhau chở cậu con nuôi đi học thêm, đưa tới nhà cho thầy cô giáo kèm cặp để cậu bé “đuổi kịp” với các bạn trong lớp. Mỗi ngày vừa chở đi, chở về, cậu con nuôi được đưa đi gần 30km để bắt đầu “rèn chữ”. Cậu bắt đầu đỡ sợ khi vào lớp, từ “thích đi chơi” cậu đã ít nhắc lại. Kể câu chuyện về cậu bé Lăng, những người lính ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết, nếu viết ra hết phải kín một cuốn vở, vì ban đầu, cậu con nuôi có tính cách cá biệt và khá nghịch ngợm.

Hết năm học lớp 2, lên lớp 3, khả năng đọc, viết của cậu bé Lăng đã khá hơn nhiều. Tôi thử kiểm tra khả năng học tập của cậu bằng cách đọc chính tả một đoạn trong sách giáo khoa cho cậu chép lại và cậu chép đúng gần hết. Chị Lê Thị Nghĩa, mẹ của Lăng tâm sự: “Em không biết chữ, nên không dạy cho con được, nhưng hôm nay, nhờ các bố nuôi Biên phòng mà con trai biết chữ rồi, biết viết và biết đọc được nên em mừng lắm”.

Cậu con nuôi người dân tộc Pa Cô. Ảnh: Văn Chương

Cậu con nuôi người dân tộc Pa Cô. Ảnh: Văn Chương

Buổi sáng sớm tinh mơ, khi tiếng kẻng ở đồn Biên phòng vang lên, tôi vội kéo mùng sang phòng của cậu con nuôi để quan sát động tác của cậu. Cậu bé người Pa Cô đã bắt đầu quen với nếp sống của bộ đội. Cậu tháo 2 đầu dây mùng và kẹp lại, sau đó gập làm nhiều lần để chiếc mùng có được hình vuông vắn và thẳng nếp. Buồn cười nhất là do chiếc mùng dài, nên cậu phải đứng trên giường để gấp, trải mùng xuống dưới sàn nhà. Riêng chiếc chăn bông của bộ đội hơi to, nên cậu phải nằm nghiêng người để xếp, sau đó nhét chiếc mùng vào phía trong để tạo ra chiếc gối vuông kiểu bánh chưng.

“Bây giờ, cậu bé đã thuộc tương đối bản cửu chương, còn trước đó thì học cả ngàn lần vẫn không nhớ nổi” - một cán bộ Đội Vận động quần chúng cho biết.

Sau 2 năm rèn luyện và kèm cặp, khả năng học tập và tác phong, nền nếp sinh hoạt của cậu con nuôi đã khá lên trông thấy. Mỗi khi nghe hiệu lệnh kẻng ăn cơm, kẻng ngủ, báo thức là cậu thực hiện đều đặn, tăm tắp. Sau kẻng báo thức, sân đồn Biên phòng vẫn chập choạng sáng tối, cậu đi men theo vỉa hè, băng qua sân để đi đánh răng, đàn chó trong đồn đã thôi gâu gâu khi thấy bóng dáng người lính tí hon. Cậu bé đã hòa nhập vào cuộc sống của những người lính, sau hơn 2 năm về với đồn Biên phòng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ren-con-nuoi-nguoi-dan-toc-pa-co-post440422.html