Rớt nước mắt cảnh vợ chồng vô gia cư 30 năm nhặt ve chai trong cái lạnh như cắt da ở Hà Nội

Trong cái lạnh buốt giá như 'cắt da cắt thịt', đôi vợ chồng già ngồi bên đống lửa, chia nhau nửa cái bánh bao, khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.

Những ngày gần đây, Hà Nội chìm trong đợt lạnh nhất từ đầu mùa đông, nhiệt độ ngoài trời có nơi giảm xuống chỉ còn hơn 10 độ C. Càng về khuya, nhiệt độ càng giảm. Thế nhưng ở ngoài kia vẫn có những người vô gia cư đang co ro trong cảnh màn trời chiếu đất.

Bà Hiền và ông Dinh ngồi ăn mỳ tôm bên đống lửa hồng

Bà Hiền và ông Dinh ngồi ăn mỳ tôm bên đống lửa hồng

Ngay dưới gầm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (khu Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) là nơi nương náu tạm bợ của cặp vợ chồng già vô gia cư, một người vừa qua 80, một vừa chớm 73 tuổi. Đó là ông Tống Văn Dinh và bà Trần Thị Hiền.

Khoảng đất nhỏ, dưới gầm cầu đường sắt trên cao này là nơi vợ chồng bà Hiền, ông Dinh chọn làm nhà từ tháng 7/2018. Căn nhà không thể che mưa, che gió nhưng vẫn luôn ấm áp tình người.

Bà Hiền kể, bà từng có một cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và 2 con trên phố Đê La Thành. Hồi đó bà làm cấp dưỡng ở Đại học Văn Hóa, nhưng đến năm 1975 thì nghỉ việc... Những bi kịch của cuộc đời bà cũng bắt đầu kể từ đây.

"Không có việc làm và thu nhập, vợ chồng suốt ngày cãi vã, chồng tôi lâm vào cảnh nghiện rượu, mỗi lần say lại đánh đập, chửi bới tôi, cuộc sống hôn nhân như địa ngục. Tôi gửi 2 con về quê ngoại ở Thái Bình rồi bám víu tại Hà Nội làm nghề nhặt ve chai", bà Hiền kể.

Ông Dinh quê Thanh Hóa cũng chẳng khá khẩm hơn, sau khi ông vào Nam đánh Mỹ, đến lúc trở ra Bắc thì vợ chết, ông không về quê nữa mà lang bạt kỳ hồ ở Thủ đô để kiếm sống cũng bằng nghề nhặt ve chai.

Kể về mối nhân duyên đưa ông bà gặp nhau và kết nghĩa vợ chồng, ông Dinh nhớ lại: "Cách đây hơn 30 năm, tại một khúc cua trên hồ Hoàng Cầu, ông bà vô tình đi ngược chiều nhau, lúc đó bà Hiền đang quẩy đôi quang gánh, mồ hôi chảy đầm đìa. Tôi đã cho bà ấy thanh sắt phế liệu rồi chủ động mời bà ấy cốc nước. Thế rồi cả 2 cùng bắt chuyện, chia sẻ về hoàn cảnh của nhau...".

Người đàn bà 73 tuổi cười nói: "Ông ấy nhớ rõ lắm. Hôm đấy chúng tôi đi ngược chiều nhau, ông ấy tặng tôi thanh sắt rồi chủ động mời tôi cốc nước, trông ông ấy cũng hiền lành. Chúng tôi bắt chuyện với nhau, đi ăn cùng nhau rồi một thời gian sau về "chung một nhà". Có lẽ, thanh sắt ấy chính là thứ gắn kết mối lương duyên này.

Tìm thấy hạnh phúc ở nơi tăm tối

Mặc dù nghèo khó và chật vật kiếm sống nhưng họ vẫn dành cho nhau những cử chỉ quan tâm, cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Trên nền đất nhỏ cạnh trụ cầu vượt, một đống ve chai, một tấm bạt trải ra, vài cái thùng gỗ vụn vặt. Những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, vỏ chai nhựa làm bát đũa, cái bếp nấu được kê tạm bằng vài ba viên gạch. Chiếc xe đạp có lẽ là thứ tài sản quý giá nhất của 2 ông bà.

Những ngày thời tiết ấm áp, tạnh ráo thì còn đỡ. Những ngày mưa, đất gầm đường sắt bị ướt hết. Hai ông bà phải căng bạt lên nằm ngủ. Buổi tối, có những đêm rất lạnh, ông bà dùng mấy que gỗ đi nhặt được đốt lửa sưởi.

Trong cái lạnh buốt giá như "cắt da cắt thịt", đôi vợ chồng già ngồi bên đống lửa, chia nhau nửa cái bánh bao

Trong cái lạnh buốt giá như "cắt da cắt thịt", đôi vợ chồng già ngồi bên đống lửa, chia nhau nửa cái bánh bao

Bà Hiền kể, nhiều khi, mấy bác xe ôm, các cháu sinh viên ghé qua sưởi cùng, ngồi trò chuyện, biết được hoàn cảnh của ông bà nên họ đã mua đồ ăn cho, ông bà rất cảm động.

Hà Nội đang trong những ngày lạnh buốt. Vậy mà, hai con người ở cái tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời, hàng đêm vẫn đốt lửa, cuốn chăn ngủ ngoài đường. Nhìn cảnh ông bà đã cao tuổi, áo quần lấm lem, ngồi sưởi bên đường chia nhau từng miếng ăn khiến người ta thấy xót thương.

"Bao nhiêu năm sống lang thang cũng quen rồi, sống cùng nhau biết ngày nào hay ngày đấy, khổ mấy chúng tôi cũng chịu được", bà Hiền nói.

Hàng ngày, ông bà mỗi người một hướng đi kiếm ve chai, đêm đến lại về khu vực gần hồ Hoàng Cầu ngủ. Mấy năm nay do sức khỏe không được tốt, ông Dinh chỉ đi nhặt rác gần trong khu vực, còn bà Hiền khỏe hơn, nên đạp xe đi xa hơn một chút.

Có lần, bà Hiền đạp xe xuống tận huyện Thường Tín (Hà Nội) để nhặt ve chai, lúc về bị lạc đường. Tối muộn vẫn không thấy vợ về. Ông Dinh sốt ruột đi bộ tìm kiếm khắp nơi. Khi bà Hiền về thì lại không thấy ông đâu, bà Hiền nước mắt lưng tròng đạp xe đi tìm chồng khắp nơi. Gặp được nhau cũng đã khuya. Ông bà đưa nhau về trên chiếc xe đạp không phanh.

Tuy vậy cuộc sống của vợ chồng già cũng có lúc "cái bát va nhau". Khi ấy, bà Hiền thường là xuống nước trước. Bà hiểu, vợ chồng nào cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Quan trọng, phải biết cách cư xử sao cho cuộc sống nhẹ nhàng, để tiếp tục thắp ngọn lửa hạnh phúc sau mỗi lần hờn dỗi. Có lẽ, cũng chính bởi họ từng xảy ra những đổ vỡ chuyện tình cảm mà có thể cảm thông, trân trọng nhau.

Chỉ mong có nơi che mưa, che nắng

Dù khó khăn nhưng hai ông bà "trộm vía" rất ít khi đau ốm. Hôm chúng tôi tới, bà bị đau đầu, đau lưng, ông đi mua thuốc rồi về dặn bà cẩn thận, uống sao cho đúng liều và đầy đủ. Nhìn dáng người lom khom, đứng như không vững của ông nhưng luôn quan tâm, lo lắng cho vợ mình. Những cử chỉ quan tâm đó cũng khiến người phụ nữ ấy hạnh phúc, có thêm động lực sống tiếp những tháng ngày sau.

Bao nhiêu năm chung sống cùng nhau, bà bảo không có kỷ niệm gì đáng nhớ, còn cuộc sống cứ đều đều trôi qua. Điều hạnh phúc nhất của bà là việc sống cùng ông Dinh, mỗi ngày cùng thức dậy, cùng ăn và cùng nhau kiếm sống.

Thời điểm đến với nhau, ông Dinh mới 50 tuổi, còn bà Hiền ngoài 40, lúc này chuyện chăn gối của ông bà rất đều đặn, ông Dinh muốn vợ sinh đứa con nhưng bà Hiền nghĩ, 2 vợ chồng tuổi đã cao rồi. Sinh con thì dễ nhưng làm gì để nuôi con mới là vấn đề.

Từ ngày nên duyên, hai ông bà cũng chưa từng về thăm quê, một phần vì không có tiền, một phần khác cũng do con cháu khó khăn, đi làm xa xứ.

Mỗi ngày đi nhặt vẹ chai, ông bà cũng chỉ kiếm khoảng 50.000 đồng, đủ trang trải tiền ăn uống. Bây giờ tuổi cao, sức yếu nên 2 người không có nhiều nhu cầu ngoại trừ hy vọng có một ngôi nhà để ở. "Tôi chỉ mong có một nơi ở cố định che mưa che nắng, để đi kiếm sống, không phải lang thang nơi này nơi khác", bà Hiền nói.

Nhìn cảnh ông lão hàm răng móm mém, tóc bạc trắng, hơ tay trước ngọn lửa vì trời lạnh, còn người phụ nữ vất vả, cặm cụi với đống ve chai không khỏi khiến người ta buồn lòng. Ở cái tuổi này, con người ta đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, sống cuộc sống an nhàn. Còn ông bà vẫn đang phải từng ngày mưu sinh, kiếm sống.

Chia tay vợ chồng bà Hiền khi phố xá đã chìm hẳn vào sự tĩnh mịch, từ xa quay nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy vợ chồng bà Hiền ngồi bên đống lửa hồng chia nhau cái bánh bao. Đêm nay và có thể nhiều đêm nữa, vợ chồng bà Hiền khó ngon giấc vì cái đói, cái lạnh. Dọc đường về nhà, chúng tôi chỉ biết cầu mong trời bớt lạnh và những người không nơi nương tựa có nơi trú ẩn ấm áp và mùa đông kết thúc sớm.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/rot-nuoc-mat-canh-vo-chong-vo-gia-cu-30-nam-nhat-ve-chai-trong-cai-lanh-nhu-cat-da-o-ha-noi-20201214165806427.htm