Rùng mình với những vết nứt đập hồ Đắk N'Ting

Sáng 7/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong). Đây là công trình được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp thiên tại về sạt lở, sụt lún.

Toàn cảnh công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting.

Toàn cảnh công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting.

Hồ chứa nước Đắk N’Ting có sức chứa hơn 1,2 triệu m3, tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, trong đó có gần 106 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và gần 32 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 80ha. Công trình sẽ cấp nước cho 680ha cây trồng, trong đó có 100ha lúa nước thuộc xã Quảng Sơn. Hồ chứa nước Đắk N’Ting cũng được kỳ vọng sẽ tạo nguồn cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân, giảm lũ cho hạ nguồn, tạo điều kiện để người dân thâm canh tăng vụ…

Tuy nhiên, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ ngày 1/8, thân đập hồ chứa đã xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước, với chiều cao cung trượt khoảng 30m. Cung trượt này đã tác động lớn gây dịch chuyển bề mặt cầu nằm phía trên các cống thoát nước về phía thân đập khoảng 20cm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tại hiện trường sạt lở hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tại hiện trường sạt lở hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Đến ngày 5/8, cung trượt này đã mở rộng thêm 20cm, tăng khoảng cách cung trượt từ 150m lên 170m, đồng thời xuất hiện nhiều vết nứt rộng khoảng 3cm, với khoảng cách trung bình 5cm có 1 vết nứt, kéo dài trên thân đập, vai đập khoảng 635m. Đến nay, cung trượt và những vết nứt này đang tiếp tục lan rộng, kéo dài và có nguy cơ gây vỡ đập.

Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán 174 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời cắm biển cảnh báo, cấm người dân, phương tiện lưu thông qua lại.

Phía hạ du hồ thủy lợi Đắk N'Ting là Nhà máy thủy điện Đắk N'Teng.

Phía hạ du hồ thủy lợi Đắk N'Ting là Nhà máy thủy điện Đắk N'Teng.

Theo một lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, phía hạ du công trình hồ thủy lợi Đắk N’Ting có nhà máy thủy điện Đắk N’Teng. “Hiện hồ chứa nước thủy điện Đắk N’Teng cũng đang bị quá tải sức chứa. Nếu tình huống xấu xảy ra là hồ thủy lợi Đắk N’Ting bị vỡ thì rất nguy cấp”, lãnh đạo này thông tin.

Kiểm tra tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, năm nay lượng mưa không lớn nhưng lại cấp tập vào một thời điểm. Tháng 7 vừa qua lượng mưa tại Đắk Nông cao gấp 1,5 năm 2022 và cao hơn gấp đôi so với trung bình nhiều năm dẫn đến những hậu quả như vừa qua. “Như chúng ta thấy khu vực này còn một số cây rừng, còn chủ yếu bà con đã trồng hồ tiêu phía trên đồi, phải tưới rất nhiều. Việc này làm thay đổi dòng chảy bề mặt, dòng chảy ngầm dưới lòng đất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sạt trượt, nứt nẻ”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Điểm cung trượt kéo dài gây nút chân cầu trên cống xả nước của hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Điểm cung trượt kéo dài gây nút chân cầu trên cống xả nước của hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Về giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Cần tính toán đến hạ độ cao của quả đồi bên phải hồ Đắk N’Ting có nguy cơ sạt trượt, tính toán có nên cho dân canh tác nữa hay không. Ngoài ra, phải tính toán đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho phía hạ du”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặt vấn đề.

Thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất ước tỉnh hơn 250 tỷ đồng

Sau khi khảo sát thực tế tại hồ thủy lợi Đắk N’Ting, đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

Những đường nứt liên tiếp xuất hiện trên thân đập hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Những đường nứt liên tiếp xuất hiện trên thân đập hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 7/8, mưa lũ đã làm ngập 192 căn nhà, ngập úng khoảng 651,4ha cây trồng các loại, 217ha thủy sản và 164 ao hồ của người dân bị ngập. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, hạ tầng bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng, ước tỉnh thiệt hại ban đầu khoảng 250 tỷ đồng. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành di dời 283 hộ dân ở những địa bàn sụt lún, sạt trượt nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN và PTNT Đắk Nông cho biết, trong hơn 10 ngày qua, lượng mưa khu vực tỉnh Đắk Nông quá lớn, đều trên 300mm gây ngập lụt nhiều nhà cửa nhất là tại TP Gia Nghĩa và các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song…

Hồ thủy lợi Đắk N'Ting có nguy cơ vỡ.

Hồ thủy lợi Đắk N'Ting có nguy cơ vỡ.

Theo ông Tuấn Anh, toàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi nhưng hiện nay có 15 công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp, 12 hồ hư hỏng vừa phải và có 8 hồ đang gây mất an toàn. “Ngoài hồ Đắk N’ting thì còn có đập Đắk Ké (huyện Tuy Đức) cũng đang có nguy cơ cao”, ông Tuấn Anh nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đã nghiên cứu nhiều điểm sạt lở lớn lần này và cho thấy có những cái tụ thủy, mạch nước ngầm. Có những mạch nước ngầm trong tự nhiên, đã có từ lâu, có cái hình thành từ việc làm công trình và có thể quan sát, xử lý được. Tuy nhiên, do trong quá trình vận hành chúng ta không để ý dẫn đến các sự cố”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa.

Sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, việc sạt lở, sụt lún có nguyên nhân từ việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt trượt, sụt lún nhiều nơi như vừa qua. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện các công trình sạt trượt phải khảo sát rộng, kỹ lưỡng. Nhưng quan điểm là phải đảm bảo an toàn cho người dân, xử lý khối sạt trượt để đảm bảo an toàn cho công trình”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh công bố các trường hợp thiên tai khẩn cấp để sớm khắc phục các điểm sạt trượt. Về phương án xử lý thì Ban chỉ đạo phải đánh giá từng công trình, làm việc với từng địa phương. Điểm nào xử lý được thì làm, không thì cứ để tiếp tục để sạt trượt hết, tránh lãng phí, nguy hiểm cho người dân.

Nhiều điểm nứt gãy trên thân đập hồ thủy lợi Đắk N'Ting nhìn từ trên cao.

Nhiều điểm nứt gãy trên thân đập hồ thủy lợi Đắk N'Ting nhìn từ trên cao.

Về đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, việc đầu tiên là phải di dân ở những vùng khẩn cấp. Tiếp đó là phải tiến hành khảo sát, đánh giá, kiểm định lại các công trình để có giải pháp xử lý cho từng công trình. Về lâu dài, phải tính toán, khảo sát lại để lập bản đồ sạt lở cho cả nước, ưu tiên Tây Nguyên thực hiện trước. Sẽ có một bản đồ sạt lở chi tiết hơn và trên đó có những cảnh báo các cấp độ khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đang ở mùa mưa nhưng lại phải tính toán cho mùa khô năm sau - dự báo sẽ rất khốc liệt. Tây Nguyên sẽ thiếu nước nên các hồ đập phải tính toán tích nước phù hợp cho năm sau. TPhải tính toán thật kỹ để việc tích nước không gây ra hậu quả sạt lở.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/rung-minh-voi-nhung-vet-nut-dap-ho-dak-nting--i702961/