S-70 Okhotnik - 'Thợ săn' của Nga thách thức mọi đối thủ với nhiều tính năng ưu việt

S-70 Okhotnik không giống bất cứ loại vũ khí chiến đấu nào mà quân đội Mỹ đang sở hữu. 'Thợ săn' của Nga rất có thể sẽ là chiếc máy bay chiến đấu không người lái đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh cao cấp.

S-70 Okhotnik (“Thợ săn”) sẽ tham giá lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2024.

Nga đang đẩy mạnh tốc độ thiết kế và sản xuất loại máy bay chiến đấu không người lái mới của mình. Dự kiến những chiếc không người lái đầu tiên với tên gọi S-70 Okhotnik (“Thợ săn”) sẽ tham gia lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Nếu điều đó trở thành hiện thực, đồng nghĩa với việc S-70 Okhotnik có thể trở thành máy bay chiến đấu không người lái tân tiến đầu tiên được sử dụng trong loại hình chiến tranh thông thường quy mô lớn đi vào hoạt động với bất kỳ quốc gia nào.

Truyền thông Nga lần đầu tiên phát hiện máy bay không người lái vào tháng 1/2019 khi nó đang thực hiện các cuộc thử nghiệm tại Nhà máy hàng không Chkalov có trụ sở tại Novosibirsk. Máy bay giống như một chiếc boomerang với một khe hút gió lớn ở phía trước nửa trên của máy bay và một vòi phun được che kín. Các tài liệu cho thấy boomerang là một thứ vũ khí độc đáo, thường có hình chữ V, được người nguyên thủy sử dụng. Khi được phóng đi, nó có thể tạo ra trong không khí những đường đi rất phức tạp và nếu không trúng đích sẽ quay trở lại chân người ném.

Cục Thiết kế Sukhoi nổi tiếng đã thiết kế ra S-70. Đây cũng là đơn vị đã sản xuất máy bay phản lực thời Chiến tranh Lạnh và máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E và Su-57 Felon ngày nay.

Với trọng lượng 20 tấn, Okhotnik nặng tương đương một chiếc máy bay chiến đấu hai động cơ F-15 Eagle của Mỹ. S-70 có thể vận chuyển khối lượng vũ khí lên tới 13.200 pound, gồm tên lửa không đối không và không đối đất, trong khoang chứa vũ khí bên trong. Máy bay không người lái này có thể bay xa tới 3.240 hải lý và tốc độ tối đa 620 dặm một giờ.

Ban đầu, Okhotnik được mô tả là một máy bay không người lái tự hành có khả năng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ các máy bay có người lái. Những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển một mẫu máy bay có thể hoạt động cùng với các máy bay chiến đấu có người lái đã làm nảy sinh ý định đưa Okhotnik phát triển theo con đường tương tự. Okhotnik được cho là có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu quan trọng của đối phương, bao gồm hệ thống phòng không, các đơn vị đầu não và những mục tiêu khác.

Nga đang cố gắng đuổi kịp phương Tây trong lĩnh vực vũ khí tự động, chẳng hạn như việc đưa robot chiến đấu Uran-9 hiện đại nhất của nước này đến chiến trường Bắc Syria. Tuy nhiên, việc Uran-9 đã hoạt động không tốt trong điều kiện tác chiến thực tế khiến Nga cũng đã nhận thức được nhiều bài học quan trọng.

Theo Forbes, Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái có vũ trang kể từ cuộc tấn công ngày 11/9/2001, nhưng đã tạm dừng phát triển các máy bay không người lái cỡ lớn, được trang bị vũ khí mạnh mẽ như kiểu Okhotnik. Được đưa vào sử dụng từ những năm 2010, máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ được tối ưu hóa để sử dụng trong xung đột cường độ thấp và chống lại quân nổi dậy. Thiết bị này có thể bị bắn hạ khi gặp phải hệ thống phòng không hiện đại của đối phương.

(theo Popular Mechanic)

Tuệ Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/s-70-okhotnik-tho-san-cua-nga-se-ra-mat-som-hon-du-kien-voi-nhieu-tinh-nang-uu-viet-121341.html