Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho gia súc

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiệt độ tại vùng 'rốn rét' Sa Pa giảm thấp. Ngày 5-12, nhiệt độ giảm còn 5 độ C. Rét đậm, rét hại bắt đầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Thị xã Sa Pa đã chủ động phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.

Củng cố chuồng trại để nuôi nhốt, không thả rông gia súc ở thôn Má Tra, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

Củng cố chuồng trại để nuôi nhốt, không thả rông gia súc ở thôn Má Tra, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa.

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiệt độ tại vùng “rốn rét” Sa Pa giảm thấp. Ngày 5-12, nhiệt độ giảm còn 5 độ C. Rét đậm, rét hại bắt đầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Thị xã Sa Pa đã chủ động phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.

Củng cố chuồng trại nuôi gia súc

Mới thành lập tháng 9-2019, thị xã Sa Pa có sáu phường và 10 xã. Ngoại trừ khu vực trung tâm là phường Cầu Mây phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ; còn lại các phường xã khác kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi. Là vùng có khí hậu rét lạnh cho nên việc phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng được đặt lên hàng đầu, nhất là vào mùa đông khắc nghiệt.

Sáng 5-12, chúng tôi ngược quốc lộ 4D lên thị xã Sa Pa, trong khi trời mưa rả rích, sương mù dày đặc, gió bấc thổi ào ào, nhiệt độ xuống thấp 5 độ C, rét lạnh luồn vào da thịt run lên từng đợt. Đến thôn Má Tra, xã Sa Pả cũ (nay là tổ 1, phường Hàm Rồng), bắt gặp vợ chồng anh Má A Vàng đang miệt mài gia cố thêm tấm chắn gió lùa cho chiếc chuồng trâu rộng khoảng 15 mét vuông, cho ba con trâu trưởng thành của gia đình. Chuồng trâu của gia đình anh Vàng làm cách xa nhà, ở vị trí khuất gió, được làm bằng cột gỗ kê chắc chắn, mái lợp bằng fibro xi-măng kín khít. Dừng tay, anh Vàng bảo: “Mình phải che thêm mấy tấm ván này nữa để chống gió lùa, giữ cho trâu được ấm. Ba con trâu là tài sản lớn của gia đình, thiếu thì không biết lấy gì cày nương, bừa ruộng để trồng trọt, nuôi sống gia đình”.

Thôn Má Tra là một trong những “rốn rét” của Sa Pa mỗi khi mùa đông tới, hầu như năm nào cũng phải “căng” ra để chống rét cho gia súc. Trận rét “lịch sử” năm 2015, rét hại và băng tuyết muộn đã làm chết gần hai trăm con trâu, bò của cả xã Sa Pả; riêng thôn Má Tra bị chết mất mấy chục con, làm đảo lộn cuộc sống của những gia đình người dân tộc Mông ở đây. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ một phần nên bà con xã Sa Pả đã gầy dựng lại được đàn gia súc, nhà khá thì có hơn chục đầu trâu, nhà ít thì cũng có 1-2 đầu trâu, bò sinh sản và làm sức kéo, phục vụ trồng trọt. Anh Lương Đức Quang, cán bộ khuyến nông “cắm chốt” ở tổ 2, cho biết: Toàn tổ 2 Hàm Rồng có 71 hộ chăn nuôi gia súc, với 257 con trâu, chiếm 60% số gia súc toàn phường. Đến nay, đã có 95% số hộ làm chuồng trại kiên cố, bảo đảm chống rét cho gia súc trong mùa đông khắc nghiệt.

Ở thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn, chúng tôi gặp vợ chồng anh Má A Châu, dân tộc Mông đang dùng những những tấm bạt nilon quây kín vách chuồng trâu, lợp lại mái bằng ngói fibro xi măng. Gia đình anh nuôi năm con trâu, vào mùa đông, anh phải tu sửa lại chuồng trại để kín gió, che chắn băng giá, bảo vệ đàn trâu không bị suy kiệt, chết rét trong giá rét thường xuyên ở mức 8-10 độ C, có khi tuyết rơi, sương muối.

Để phòng, chống rét hiệu quả nhất cho đàn gia súc hơn 13 nghìn con, trong đó có 10.162 con trâu và 3.077 con bò, huyện Sa Pa tập trung mạnh vào khâu chuồng trại. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có “thói quen” thả rông gia súc trong rừng, đến mùa cần bắt về cày ruộng nương mới lên rừng tìm bắt trâu về nhà. Vì thế, vào mùa đông, rét đậm rét hại, băng tuyết, trâu lại chết rét nhiều, do đói và rét, sức đề kháng kém.

Bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: “Một mặt, cán bộ Phòng kinh tế, cán bộ khuyến nông, trạm thú y huyện “bám dân, bám bản” đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc; mặt khác huyện có chính sách hỗ trợ tiền mua vật liệu (hai triệu đồng/chuồng/hộ nghèo) giúp người dân làm chuồng gia súc”. Ở một số nơi, như xã Tả Phìn, người Mông có “sáng kiến” lập tổ đổi công, sử dụng nguyên liệu đất tại chỗ để làm chuồng gia súc bằng cách “trình tường” dày từ 25-40cm, vừa ấm về mùa đông, vừa mát về mùa hè.

Tính đến nay, toàn thị xã Sa Pa đã có 91% số hộ (4.122 hộ) chăn nuôi đã có chuồng trại cho gia súc, giữ ấm trong mùa đông; cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc. Tuy nhiên, trước mùa đông năm nay, Sa Pa còn 540 hộ chăn nuôi có chuồng trại chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu chống rét và 384 hộ chưa có chuồng trại, hầu hết là những hộ nghèo và cận nghèo ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa. Thị xã Sa Pa đang thực hiện giải pháp vận động họ hàng giúp nhau làm chuồng trại; trường hợp khó khăn sẽ hỗ trợ kinh phí để giúp hộ dân làm chuồng chống rét cho gia súc.

Dự trữ thức ăn và di chuyển gia súc tránh rét

Thị xã Sa Pa hiện có hơn 4.500 hộ chăn nuôi trâu, bò; trong điều kiện đàn gia súc tăng nhanh, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp do xây dựng các công trình thủy điện và công trình du lịch. Mặt khác, mùa rét kéo dài kèm theo sương muối khiến cỏ lụi tàn, vì vậy, cần phải tăng cường dự trữ thức ăn cho gia súc. Đây cũng là việc làm khó, bởi tập quán, thói quen lâu đời của người dân bản địa thường dựa vào tự nhiên. Thị xã Sa Pa tập trung hướng dẫn người dân dự trữ rơm rạ khô, trồng cỏ voi, trồng ngô dày lấy thân lá làm thức ăn xanh và tận dụng phụ phẩm của rau xanh các loại để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông giá rét.

 Người dân thôn Sử Pán, xã Mường Hoa (Sa Pa) dự trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông giá rét, thiếu cỏ tự nhiên.

Người dân thôn Sử Pán, xã Mường Hoa (Sa Pa) dự trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông giá rét, thiếu cỏ tự nhiên.

Tại thôn Sử Pán, xã Mường Hoa, vợ chồng anh Tẩn A Dơ, dân tộc H’Mông đang cất trữ rơm khô để dành làm thức ăn cho sáu con trâu trong mùa rét hại. Anh Dơ cho biết, gia đình làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, mùa thu hoạch lúa không đốt bỏ rơm như trước mà phơi khô, thu gọn về nhà, đánh thành “cây rơm”, phía trên cùng có làm “nón che” cho rơm không bị nước mưa làm thối hỏng. Nhiều hộ khác trong thôn cũng cất trữ rơm khô, ủ thức ăn chua bằng cây ngô non hoặc thân chuối để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, khi cỏ tự nhiên tàn lụi, khan hiếm.

 Làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu bò.

Làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu bò.

Tính đến nay, đã có 2.951 hộ chăn nuôi (chiếm 65%) đã dự trữ thức ăn cho gia súc, trong đó có khoảng 40% dự trữ được từ 70- 100% thức ăn cho gia súc trong suốt mùa đông năm nay. Số còn lại, huyện Sa Pa đang lập các tổ công tác xuống cơ sở tích cực vận động và hướng dẫn người dân tiếp tục tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc; đối với những hộ quá khó khăn thì hướng dẫn đồng bào “sơ tán” trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét.

Năm nay, thị xã Sa Pa chủ động lập kế hoạch di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét bằng cách thống kê cụ thể số hộ đăng ký di chuyển, số lượng gia súc cần “sơ tán”, để liên hệ với chính quyền các xã vùng thấp như Tòng Sành (Bát Xát), Cốc San ( thành phố Lào Cai) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển gia súc tránh rét, vừa bảo đảm nơi chăn thả, vừa phòng chống dịch bệnh.

Người dân xã Trung Chải (Sa Pa) di chuyển trâu xuống vùng thấp tránh rét hại.

Người dân xã Trung Chải (Sa Pa) di chuyển trâu xuống vùng thấp tránh rét hại.

Bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cường dự trữ thức ăn khô, cán bộ khuyến nông xuống tận từng thôn, bản khuyến cáo người dân chăn thả gia súc theo lịch mùa đông, đó là: Thả muộn, về chuồng sớm. Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ xuống quá thấp hoặc khi thời tiết rét hại kèm theo sương muối, nhốt hoàn toàn gia súc trong chuồng trại, tuyệt đối không thả ra ngoài trời.

QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/sa-pa-chu-dong-phong-chong-ret-cho-gia-suc-627179/