Sẵn sàng cho phê chuẩn các hiệp định với EU

Các hiệp định với EU dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ nay đến đó còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được giải quyết để việc phê chuẩn diễn ra và thành công.

Khoảng thời gian 3 tháng tới sẽ rất quan trọng để Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Lộ trình đã rất gần

Chia sẻ tại buổi họp báo nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tuần qua, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của EP cho biết, dự kiến INTA sẽ tiến hành bỏ phiếu trình phê chuẩn vào tháng 1/2020 và sau đó EP sẽ bỏ phiếu phê chuẩn các hiệp định này vào tháng 2/2020. Dựa trên mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai bên và những nỗ lực trong khoảng thời gian này, ông Lange Bernd tin tưởng 3 tháng tới sẽ có bước tiến rất quan trọng trong phần cuối của tiến trình phê chuẩn các hiệp định này.

Qua các buổi làm việc với lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam lần này, phái đoàn INTA cũng tiếp tục ghi nhận những tín hiệu, thông điệp tích cực. Là người rất có thiện cảm với Việt Nam, từng đến thăm và làm việc nhiều lần, ông Bernd Lange đánh giá cao về sự phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam và cho rằng mối quan hệ đối tác giữa hai bên đang đi đúng hướng. Chủ tịch Bernd Lange cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam lần này, INTA sẽ truyền tải thông tin về sự chuẩn bị của Việt Nam tới các nghị sỹ của EP và tin tưởng sẽ có những ghi nhận tích cực từ phía EP trên cơ sở đánh giá những thông điệp, tín hiệu tích cực này.

Ông Jan Zahradil - Phó Chủ tịch INTA nhận định: “Tôi rất vui mừng vì hai bên đã bước vào giai đoạn cuối của hiệp định sau cả một quá trình dài đàm phán, ký kết và giờ chỉ còn chờ xem xét phê chuẩn. Nên có thể coi đây là thời điểm lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng với hai bên. Trong thời gian tới đây, sẽ khó có thể có các quốc gia khác trong Đông Nam Á sẽ ký được với EU các hiệp định như Việt Nam đã làm được. Điều đó phản ánh mối quan hệ hết sức quan trọng giữa Việt Nam và EU”. Cũng theo vị này, khoảng thời gian 3 tháng tới là rất quan trọng và vì thế “chúng tôi khuyến khích Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội có thể để gửi đi những tín hiệu thông điệp tích cực càng nhiều càng tốt để làm sao tạo ra một không khí, điều kiện thuận lợi cho bước cuối cùng là để EP phê chuẩn”.

Tại buổi tiếp Đoàn công tác của INTA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh EP đã đưa hai hiệp định này vào chương trình nghị sự để xem xét phê chuẩn vào tháng 2/2020. Hiện các cơ quan của Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hồ sơ để Quốc hội sớm phê chuẩn hai hiệp định quan trọng này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam và EU có mối quan hệ tuyệt vời, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt tới 56 tỷ USD, các DN châu Âu cũng đang đầu tư vào Việt Nam tới 25 tỷ USD. Do đó, việc EVFTA và EVIPA được Quốc hội hai bên phê chuẩn sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng thương mại và đầu tư trong thời gian tới.

Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội cũng thảo luận, xem xét thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết hài hòa các vấn đề đang đặt ra. Trao đổi trong buổi tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ sự hợp tác của hai bên và mong muốn các hiệp định sẽ được hai bên thông qua trong thời gian sớm nhất. Hai bên cũng nhất trí cần phải tăng cường hơn nữa thông tin, đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam với EP để thiết lập nhóm giám sát việc thực hiện các hiệp định này. Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và phúc đáp những thắc mắc, kiến nghị từ phía EP.

Tập trung giải quyết các vấn đề còn lại

Chủ tịch INTA Bernd Lange cho biết, quá trình phê chuẩn các hiệp định cũng gắn với các nội dung quan trọng khác mà Việt Nam đang triển khai, trong đó có quá trình xem xét phê chuẩn 3 Công ước còn lại của ILO. Hiện nay đã có một Công ước (Công ước 98) đã được Quốc hội phê chuẩn. Hai Công ước còn lại sẽ được phê chuẩn đặt trong bối cảnh sắp tới Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến cũng sẽ được Quốc hội thông qua (trong đó có phản ánh tinh thần của hai Công ước còn lại này).

Theo Chủ tịch INTA, đây là một trong những yếu tố quan trọng mà EP rất quan tâm, bởi vì theo quan điểm của EU, thương mại phải là động lực cho sự phát triển bền vững và lợi ích đem lại từ quá trình trao đổi thương mại này phải mang lại cho mọi người dân, cho những người lao động bình thường, và các quyền của người lao động được đảm bảo. Với Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì điều quan trọng là sẽ bao hàm rộng hơn về đối tượng chứ không chỉ với những người lao động có quan hệ lao động. Đây là một bước tiến rất lớn và cũng sẽ gắn kết với cả quá trình triển khai thực hiện FTA sau này.

“Chúng tôi tin tưởng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ là bước tiến rất quan trọng cho vấn đề bảo vệ quyền của người lao động cũng như vấn đề về an toàn, an ninh xã hội và chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam ở góc độ này”, Chủ tịch INTA nói. Từ góc nhìn của mình, ông Bernd Lange bày tỏ ủng hộ phương án quy định thời gian lao động bình thường xuống mức thấp hơn. “Tôi cho rằng thời gian lao động bình thường ở mức 44h/tuần là hợp lý, không nên dài hơn”, ông nói.

Ông Bernd Lange cũng cho biết: “Hiện nay, các bạn hình dung là cặp mắt của 751 nghị sỹ EP đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Việt Nam để họ có được cơ sở cho việc phê chuẩn. Do đó khoảng thời gian 3 tháng tới sẽ là rất quan trọng để đi đến những hiểu biết chung tích cực về những tiến bộ, chuyển biến và chúng tôi kỳ vọng rằng Việt Nam chuẩn bị tốt cho việc nhìn nhận xem xét đó”.

Phó Chủ tịch INTA Jan Zahradil nhấn mạnh: “Trong những tuần, những tháng tới chúng tôi sẽ phải giữ liên hệ hết sức chặt chẽ để trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan của phía Việt Nam và tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, vào tháng 2 năm tới sẽ có những kết quả tích cực từ phía EP trên cơ sở đánh giá những thông điệp, tín hiệu tích cực đã được gửi đi từ phía Việt Nam”.

Vị Phó Chủ tịch này cũng thông tin, EP vốn là một Nghị viện rất lớn, các luồng quan điểm đa dạng và đôi khi rất phức tạp. Nhất là sau cuộc bầu cử EP vào tháng 5 vừa qua, hiện có tới 8 nhóm đảng phái khác nhau trong EP, với khoảng 60% thành viên EP là những người mới được bầu và có một bộ phận không nhỏ trong số đó không quen nhiều với các nội dung về thương mại, chưa kể họ còn có các ưu tiên khác nhau. “Nên thực sự cũng không đơn giản để đáp ứng được những yêu cầu, ưu tiên của rất nhiều nhóm đảng phái đa dạng như vậy. Tuy nhiên, những thông điệp từ Việt Nam được gửi đi một cách tích cực cho đến nay cũng đã được cân nhắc và nhìn nhận từ phía EP. Chúng tôi cũng tin tưởng và sẽ nỗ lực tối đa để làm sao có được đa số phiếu khi biểu quyết đối với hai hiệp định này từ EP vào thời điểm dự kiến trên”, Phó Chủ tịch INTA cho biết.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/san-sang-cho-phe-chuan-cac-hiep-dinh-voi-eu-94210.html