Sản xuất công nghiệp Trung Quốc khởi sắc, Mỹ và châu Âu vẫn 'căng mình' đối phó với lạm phát

Khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, góp phần thúc đẩy hy vọng phục hồi nền kinh tế toàn cầu, trong khi những dữ liệu mới tại Mỹ và châu Âu đều cho thấy lạm phát ở cả hai khu vực này vẫn chưa được kiểm soát.

Khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. (Nguồn: Reuters)

Khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng ấn tượng trong tháng Hai với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. (Nguồn: Reuters)

Sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Trung Quốc được công bố ngày 1/3 đã tăng lên 52,6 vào tháng Hai từ 50,1 vào tháng Một. Một cuộc khảo sát tại khu vực tư nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng lần đầu tiên của khu vực này sau 7 tháng.

"Đây là những tín hiệu đáng khích lệ, nhưng đấy mới chỉ là một tháng và những thách thức vẫn còn", chuyên gia kinh tế Duncan Wrigley tại Pantheon Macroeconomics cho hay.

Thị trường chứng khoán châu Á đã thoát khỏi mức rơi thấp nhất trong 2 tháng và có ngày tốt nhất trong 7 tuần hôm 1/3. Giá dầu toàn cầu tăng cao hơn, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu thông qua nhu cầu năng lượng tăng.

Trong khi đó, tại Mỹ, hoạt động sản xuất trong tháng Hai đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, nhưng có dấu hiệu cho thấy hoạt động của nhà máy đang bắt đầu ổn định.

Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho biết, PMI sản xuất đạt 47,7 vào tháng trước so với 47,4 vào tháng Giêng. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số này sẽ tăng lên 48,0 trong thời gian tới. Chỉ số dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất, chiếm 11,3% nền kinh tế Mỹ, đang bị thu hẹp.

Mặc dù nguồn cung được cải thiện và nhu cầu giảm, nhưng lạm phát vẫn bùng phát, với cả giá tiêu dùng và giá sản xuất đều ghi nhận mức tăng lớn hàng tháng trong tháng 1/2023.

Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào mùa Hè sau khi các thước đo lạm phát chính tăng tốc trở lại, việc quay vòng nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất khó có thể xảy ra. Sản xuất cũng đang bị suy yếu bởi sự tăng giá trước đó của USD so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu toàn cầu.

Tại châu Âu, dữ liệu thống kê của Đức cho thấy, cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Giá cả tại nền kinh tế lớn nhất khu vực đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh tan kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 9,0% và cao hơn mức tăng 9,2% của tháng Giêng.

Tương tự, giá cả cũng đang tăng nhanh hơn dự kiến ở Pháp và Tây Ban Nha, thách thức quan điểm cho rằng lạm phát trong khu vực đã đạt đến đỉnh điểm.

(theo Reuters)

Ngọc Vũ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/san-xuat-cong-nghiep-trung-quoc-khoi-sac-my-va-chau-au-van-cang-minh-doi-pho-voi-lam-phat-218454.html