Sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực

Mô hình sản xuất lúa chất lượng tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Phú Yên là một trong những tỉnh nằm trong vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai quy mô quốc gia như hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ kéo dài bất thường. Thế nhưng, trong 10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh giữ mức ổn đỉnh, đảm bảo an ninh lương thực.

Nâng cao sản lượng lương thực

Theo Sở NN-PTNT, những năm qua, toàn tỉnh duy trì diện tích trồng lúa 2 vụ chính là 24.000ha/vụ, năng suất đạt 70 tạ/ha/vụ, sản lượng 34.000 tấn/năm, đảm bảo lương thực cho người dân trong tỉnh. Diện tích sản xuất lúa trải đều ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Địa phương có diện tích gieo trồng cao là các huyện Tây Hòa 6.516ha, Phú Hòa 5.518ha, Đông Hòa 4.600ha… Diện tích sản xuất lúa giống hàng năm là 5.000ha, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao 10.000ha, sản xuất tập trung tại các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.

Hiện hầu hết địa phương trong tỉnh đưa ra mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, góp phần tăng sản lượng lương thực toàn tỉnh. Các chương trình, dự án đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật xuống đồng ruộng đã được triển khai tại các huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa, như chương trình ba giảm, ba tăng (ba giảm gồm: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; ba tăng, gồm: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế); bốn nhà cùng ra đồng (gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước và nông dân)…

Tại huyện miền núi Đồng Xuân, tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2019 là 26.735 tấn, trong đó cây lúa 3.698ha, năng suất bình quân đạt 62,8 tạ/ha, sản lượng đạt 23.214 tấn. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho hay: Thời gian qua, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Đối với cây lúa, tổng diện tích sử dụng giống lúa đạt chuẩn 2.940,6/3.711,5ha, đạt 79,23% giống lúa đạt chuẩn. Thời gian đến, địa phương phấn đấu đưa năng suất lúa toàn huyện đạt 66,9 tạ/ha.

Huyện Tây Hòa có diện tích đất hai lúa trên 6.500ha, trong đó 90% diện tích được tưới bằng hệ thống thủy nông Đồng Cam, là địa phương có diện tích lúa nhiều nhất tỉnh. Ngoài thế mạnh về cây lúa, huyện phát triển cây mía 1.150ha, cây sắn 2.500ha, cây bắp 700ha, cây tiêu 600ha và trồng các loại rau, đậu hàng năm với diện tích ổn định khoảng 660ha… Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho rằng: Chủ trương của huyện là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực tế nhiều năm qua, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tại một số khu vực ven biển, nước biển đã ăn sâu vào đất liền. Tốc độ bình quân bị xâm thực hàng năm từ 10-20m. Có nơi như thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) và thôn Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa) bị xâm thực từ 25-35m/năm. Toàn tỉnh có 600ha đất bịnhiễm mặn tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, nắng hạn kéo dài khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các vùng miền núi thường xuyên chịu cảnh thiếu nước.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, UBND tỉnh đãban hành kế hoạch hành động ứng phó, các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất để đảm bảo đời sống. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng nước biển dâng, khả năng gây nhiễm mặn cao đối với các vùng sản xuất nông nghiệp khu vực đồng bằng của tỉnh. Vì vậy, sở tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, giai đoạn từ 2016 đến nay, hơn 1.076ha diện tích đất lúa kém hiệu quả đãđược chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như bắp lai, đậu phộng, đậu tương... tạo ra giá trị hơn 12,3 tỉ đồng. Về rau đậu, toàn tỉnh phấn đấu tăng diện tích trồng cây đậu các loại lên 6.640ha năm 2020 và đạt 7.900ha vào năm 2025; tăng diện tích trồng cây rau các loại lên 9.840ha năm 2020; 12.800ha vào năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hình thành các vùng chuyên canh trồng rau sạch, VietGAP, tập trung tại thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc và thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). Về cây ăn quả, Phú Yên ổn định diện tích 4.350ha, tập trung một số loại cây có khả năng phát triển và gắn với công nghiệp chế biến như khóm (huyện Phú Hòa), dừa xiêm (TX Sông Cầu) và một số cây khác như cam, sầu riêng, xoài, cây bơ giống mới, mít không hạt, đu đủ lai, măng tây, chanh không hạt, ca cao, gấc... trồng tại các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh.

Ông Tùng cho biết thêm: Là một trong những tỉnh nằm trong vùng chịu thảm họa thiên tai quy mô quốc gia như hạn hán, xâm nhập mặn, Phú Yên buộc phải tìm hướng để thích ứng, biến thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là điểm mấu chốt nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Điều này có nghĩa, ngành Nông nghiệp phải có hướng triển khai, sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân. Các ngành, các cấp và địa phương cần phối hợp tuyên truyền, vận động người dân trong công tác bảo vệ quỹ đất quy hoạch chuyên trồng cây lúa để góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/237326/san-xuat-nong-nghiep-dam-bao-an-ninh-luong-thuc.html