Sáng mãi một niềm tin

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã biến không gian di tích thành một 'trường học cách mạng' khi tái hiện lại lịch sử vinh quang của Đảng ta qua trưng bày các tư liệu, hình ảnh với chủ đề 'Thắp lửa niềm tin'. Những câu chuyện, ký ức của những đảng viên lão thành về quá trình đấu tranh cách mạng khiến công chúng thêm củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng mọi người ôn lại lịch sử Ðảng, lịch sử dân tộc qua những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật tại Nhà tù Hỏa Lò, cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Nhà tù Phú Quốc kể: "Cách đây gần 50 năm, chúng tôi là những thanh niên trẻ tuổi tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bị địch bắt, tôi bị đưa ra trại giam Phú Quốc. Năm 1972, tôi được chi bộ giao nhiệm vụ chuẩn bị cờ Ðảng để làm lễ kết nạp một quần chúng ưu tú vào Ðảng. Hoàn cảnh trong trại giam thiếu thốn đủ đường, tôi chích máu từ ngón tay để vẽ cờ Ðảng, vẽ chân dung Bác Hồ". Nghe câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa, ai cũng bùi ngùi xúc động. Bức hình cờ Ðảng, hình Bác vẽ bằng máu được lưu truyền mãi trong anh em, tiếp thêm sức chiến đấu cho các chiến sĩ trong trại giam đến ngày giải phóng.

Những ngày này, Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành một "trường học cách mạng". Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã dày công sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý về lịch sử vẻ vang của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày đã tóm tắt quá trình phát triển của Ðảng, quá trình lãnh đạo đất nước giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945, lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những thành tựu sau hơn 30 năm đất nước đổi mới. Trong quá trình đấu tranh cách mạng của Ðảng có nhiều giai đoạn, những lãnh tụ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và giam cầm, bị tra tấn dã man. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, niềm tin vào Ðảng, ý chí của các chiến sĩ cách mạng càng thêm ngời sáng.

Ban Tổ chức đã thiết kế không gian trưng bày là tổ hợp những hình ảnh gợi nhớ về chốn "địa ngục trần gian" với tường đá, dây kẽm gai, song sắt... Mầu sắc sử dụng tạo thành những mảng mầu đối lập: Một bên là sắc trầm của xanh rêu, nâu đen, xám - những mầu sắc chủ đạo của lao tù, một bên là mầu sắc sáng tươi, nổi bật, tượng trưng cho ý chí của những người yêu nước.
In chìm phía sau là hình ảnh của các chiến sĩ cộng sản dù bị gông cùm, xiềng xích, vẫn bất khuất, hiên ngang, cùng chung sức, đồng lòng hướng về cách mạng. Ban Tổ chức còn mời nhiều nhân chứng lịch sử, các đảng viên lão thành đã kinh qua những năm tháng chiến tranh, ngục tù đến giao lưu, giúp người xem sống lại những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Câu chuyện của đảng viên Nguyễn Thế Nghĩa chỉ là một trong vô vàn câu chuyện xúc động về tinh thần của người chiến sĩ cộng sản. Bà Nguyễn Thị Thành, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò nhớ lại: "Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi nhận nhiệm vụ tác chiến trong vùng địch hậu, rồi bị địch bắt giam, tra tấn. Hằng ngày, quân địch đều dùng các thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không thể làm lung lay ý chí của những người cộng sản".

Đợt trưng bày còn giới thiệu những hiện vật, hình ảnh về thành tựu của quá trình đổi mới, quyết tâm chống tham nhũng của Ðảng, sự lãnh đạo của Ðảng trong thời đại kinh tế tri thức, đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập. Tham quan các phần trưng bày, bà Trương Thị Hòa (phố La Thành, quận Ba Ðình) chia sẻ: "Những hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện tại đây giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều, thêm tin tưởng vào tương lai đất nước. Mong rằng thế hệ trẻ tiếp tục noi gương, tiếp nối con đường cha ông đã lựa chọn".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43081702-sang-mai-mot-niem-tin.html