Sáng tạo với dự án truyền thông 'trò chuyện cùng đồ vật'

'Đồ nhiều chuyện' là một dự án truyền thông của nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện K41 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), được thành lập với mong muốn lan tỏa những bài học cuộc sống qua một góc nhìn hoàn toàn mới - góc nhìn từ những đồ vật thân thuộc hằng ngày.

Cái tên Đồ nhiều chuyện dễ khiến người ta liên tưởng đến những người hay ngồi lê đôi mách, luôn tò mò thái quá với những chuyện không phải của mình. Nhưng theo chia sẻ của đội ngũ thực hiện, Đồ nhiều chuyện ở đây thực chất là hình ảnh nhân hóa, gán cho những đồ vật tưởng như vô tri một linh hồn để gửi gắm thật nhiều thông điệp, bài học ý nghĩa.

Dù chỉ mới được thành lập cách đây hơn một tháng nhưng những bài viết thú vị của Đồ nhiều chuyện đã thu hút được hơn 1.500 lượt like fanpage và rất nhiều sự quan tâm, tương tác từ các bạn sinh viên trong và ngoài Học viện.

“Đồ nhiều chuyện”, dự án thú vị của nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Đồ nhiều chuyện”, dự án thú vị của nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nói về sự ra đời của Đồ nhiều chuyện, Vũ Kiều Oanh (thành viên dự án) chia sẻ: “Thực ra, Đồ nhiều chuyện là bài tập lớn cuối kỳ môn Lý thuyết truyền thông của nhóm chúng mình. Khi nhận được đề bài là xây dựng và thực hiện một dự án truyền thông, nhóm đã thảo luận rất nhiều để tìm ra ý tưởng nhưng không ưng cái nào hết. Mà nếu phải chọn bừa một trong cả rừng những đề tài có thể bắt gặp trên mạng thì không phải là phong cách của chúng mình. Rồi bất ngờ cả nhóm chuyển hướng suy nghĩ đến những vật dụng thân thuộc xung quanh và bắt đầu nảy ra rất nhiều “content” hay ho. Nhóm cũng không ngờ rằng sau khi nghe qua ý tưởng, giảng viên đã gật đầu cái “rụp”, cô còn nói ý tưởng này có thể duy trì được sau khi bài tập kết thúc”.

“Đồng tiền có sắc” - một bài viết về giá trị của đồng tiền trên góc nhìn của chính đồng tiền.

“Đồng tiền có sắc” - một bài viết về giá trị của đồng tiền trên góc nhìn của chính đồng tiền.

Chủ đề bài viết của dự án rất đa dạng về cả hình thức và nội dung. Không chỉ truyền tải thông điệp đơn thuần mà Oanh cùng các bạn còn kết hợp hình ảnh độc đáo với lối chơi chữ mới mẻ, chạm đến những vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Từ đó giúp dự án tiếp cận các độc giả trẻ dễ dàng hơn.

Đều chập chững bước vào năm nhất, cả nhóm đều thấy lạ lẫm với bài tập lớn đầu tiên. Nhưng những lần phải thức qua đêm làm sản phẩm, những cuộc họp dài bàn luận, cải thiện nội dung đã giúp cả nhóm hiểu nhau và quen hơn với công việc “làm truyền thông” đích thực.

Cuối tháng Mười Hai vừa qua, nhóm bạn tài năng này còn cho ra mắt một MV mang tên Làm gì phải bấm, với lời nhắn nhủ tới mọi người dịp đầu Xuân: “Hãy tạm thời quên đi các thiết bị công nghệ thông minh cùng môi trường Internet đã gắn chặt với cuộc sống chúng ta suốt năm 2021 để dành thời gian bên gia đình, bạn bè và chính bản thân mình!”.

Bộ ảnh Châm ngôn sống của đồ vật kết hợp với lối chơi chữ thú vị.

Bộ ảnh Châm ngôn sống của đồ vật kết hợp với lối chơi chữ thú vị.

Dù gặp nhiều khó khăn khi làm MV trong tình trạng “mỗi đứa một nơi” nhưng với sự nỗ lực của nhóm và sự giúp đỡ nhiệt tình từ người thân của Vân Anh (thành viên dự án), sản phẩm cuối cùng vẫn rất chỉn chu và được đón nhận ngoài mong đợi. “Sự yêu quý và những phản hồi tích cực của độc giả là món quà vô giá với tất cả các thành viên”, cả nhóm đồng tình chia sẻ.

Chia sẻ thêm về dự định với dự án sau khi kết thúc bài tập cuối môn, Kiều Oanh khẳng định: “Hướng đi tiếp theo của Đồ nhiều chuyện sẽ vẫn là những câu chuyện dài cả trang giấy, hoặc có thể chỉ ngắn gọn trong một đôi dòng được kể từ phía các đồ vật xung quanh, đính kèm những thông điệp cuộc sống. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt, đó là tụi mình sẽ “chơi chữ” và “văn vở” nhiều hơn nữa, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của mọi người”.

Vương Linh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sang-tao-voi-du-an-truyen-thong-tro-chuyen-cung-do-vat-post1410842.tpo