Sáng tỏ hơn từ điều hành linh hoạt, khoa học

Theo dõi ngày thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đối với nhóm vấn đề về chính sách dân tộc và khoa học công nghệ, bên cạnh tiếp tục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu và sự thẳng thắn, cầu thị của các 'tư lệnh' ngành, cử tri rất ấn tượng với vai trò điều hành của Chủ tọa. Khi cả 2 'tư lệnh' ngành đều lần đầu tiên ngồi ghế 'nóng', điều hành linh hoạt và khoa học của Chủ tọa đã giúp phần trả lời đi đúng vào trọng tâm, làm sáng tỏ hơn những vấn đề đặt ra, cũng là những nội dung đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Kỳ vọng văn bản quy phạm pháp luật mang tầm đạo luật

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, cử tri đánh giá cao sự thẳng thắn nhìn nhận thực tế đáng chú ý là chính sách dân tộc còn tản mạn, thiếu thống nhất, chồng chéo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Không riêng lĩnh vực dân tộc, đã có những kỳ họp đại biểu Quốc hội nêu lên thực tế này và "tư lệnh" một số ngành cũng hứa sẽ rà soát, trình Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện, thống nhất, thế nhưng có những nội dung tiếp thu nhưng chậm được xử lý. Kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ, thiếu nhất quán trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách. Còn tình trạng có quá nhiều chính sách, do nhiều bộ, ngành quản lý, thiếu những quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

“Bộ trưởng hứa cuối năm nay sẽ rà soát lại các chính sách về dân tộc trình Chính phủ, liệu có làm kịp hay không? Giải pháp trước mắt là gì, bởi khi đi sâu tìm hiểu về vấn đề này quả thực có khá nhiều điểm “nghẽn” cần tháo gỡ và cũng cần rất nhiều thời gian. Sự thiếu thống nhất, chồng chéo đã đành, qua giám sát cũng cho thấy, có trường hợp, chính sách đã ra đời mà 10 năm sau mới ban hành thông tư hướng dẫn. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này” - cử tri Ngân Mai Quỳnh, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An bày tỏ.

“Đến nay, vấn đề dân tộc vẫn đang thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tầm đạo luật. Tôi đề nghị sớm có Luật về công tác dân tộc. Thay vì cam kết thời điểm cuối năm, mong muốn Bộ trưởng có lộ trình cụ thể các bước để xác định chắc chắn khi nào thì có Luật về công tác dân tộc, chấm dứt tình trạng nhiều thông tư hướng dẫn, nhiều chính sách ban hành mà chậm triển khai thực thi như hiện nay” - cử tri Nông Văn Ngoan, huyện Eah’Leo, Đắk Lắk bày tỏ. Đây cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đã đề nghị tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV: cần sớm đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật để có thể thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Quan tâm tới việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhiều đại biểu quan tâm làm rõ hiệu quả của Chương trình, nguyên nhân triển khai chậm. Cử tri H’Bic Buôn Jă, Buôn H’Đơk, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đánh giá cao Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời đã làm rõ được thực trạng, nguyên nhân của vấn đề, rất am hiểu và trách nhiệm. Thế nhưng có một vấn đề cử tri rất quan tâm là việc quản lý, sử dụng nguồn mục tiêu quốc gia, có vẻ như tỷ lệ chi cho các nội dung triển khai, hội nghị, hội thảo còn nhiều, còn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội bằng công trình, sản phẩm cụ thể còn ít. Vấn đề này đặt ra bài toán về cách quản lý, theo cử tri, Ủy ban Dân tộc cần soát xét lại để tham mưu thật sát, trúng, phát huy hiệu quả, tính nhân văn mà mục đích chương trình đề ra.

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thực tiễn hiện nay. “Đơn cử như lễ hội cồng chiêng, ngày xưa ấy, văn hóa cồng chiêng ăn sâu vào sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai… nhưng bây giờ về buôn thỉnh thoảng có lễ hội mới mang ra đánh thôi, còn bình thường thì cất đi” - Cử tri H’Bic Buôn Jă - Buôn H’Đơk, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trăn trở.

Thiếu mềm dẻo, linh hoạt để các nhà khoa học thăng hoa

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thu hút 120 đại biểu đăng ký chất vấn ngay từ đầu phiên, cao nhất trong số 3 Bộ trưởng đã trả lời chất vấn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học và công nghệ, cử tri Lê Bình, TP. Vinh, Nghệ An cảm thấy rất hào hứng bởi không chỉ nhiều đại biểu quan tâm, không khí sôi nổi, thẳng thắn khi các đại biểu tranh luận mà còn vì có những nội dung cử tri phản ánh đã được đại biểu Quốc hội đưa đến Nghị trường. “Điều lãng phí nhất hiện nay được các đại biểu chỉ ra rất đích đáng, đó chính là việc nhiều đề tài nghiên cứu nhưng tính ứng dụng thực tiễn chưa cao. Thực tế ở Việt Nam, có những nhà khoa học là nông dân, sáng kiến của họ từ thực tiễn hình thành, không cần phải diễn đàn này, hội thảo nọ tốn kém nhiều chi phí, các sản phẩm khoa học này rất đơn thuần, chân chất nhưng lại có hiệu quả trong thực tế; thiết nghĩ, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu tham mưu Chính phủ có thay đổi trong quy cách công nhận, tiêu chuẩn để phát huy, những đề tài không có tính thực tế thì không nên xét duyệt” - cử tri Bình bày tỏ.

Đồng tình với nhận định của đại biểu về việc cốt lõi trong phát triển khoa học và công nghệ là phát triển nhân tài - thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành, cử tri Nguyễn Huy Luận, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến tình trạng chảy máu chất xám. “Ngoài thiếu trang thiết bị, điều kiện cần thiết để giữ chân người tài, điều quan trọng nhất vẫn là môi trường công tác và chế độ đãi ngộ. Chúng ta đang quá ràng buộc về nguyên tắc, mệnh lệnh hành chính, thiếu sự mềm dẻo linh hoạt để tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học thăng hoa” - cử tri bày tỏ.

Theo dõi ngày thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề về chính sách dân tộc và khoa học và công nghệ, bên cạnh tiếp tục đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu và sự thẳng thắn, cầu thị của các Tư lệnh ngành, cử tri rất ấn tượng với vai trò điều hành của Chủ tọa. Khi cả 2 Tư lệnh ngành đều lần đầu tiên ngồi ghế “nóng”, làm nên thành công của phiên họp không thể thiếu vai trò điều hành linh hoạt và khoa học của Chủ tọa. Theo đó, khi các Bộ trưởng trả lời chưa đi vào trọng tâm câu hỏi, trả lời thiếu ý hỏi của đại biểu… Chủ tọa đã kịp thời nhắc nhở, gợi ý để phần trả lời đi vào trọng tâm; đồng thời, yêu cầu phần trả lời, làm rõ thêm của các trưởng ngành liên quan; qua đó, phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm để sáng tỏ hơn những vấn đề đặt ra.

HẠNH PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/sang-to-hon-tu-dieu-hanh-linh-hoat-khoa-hoc-i331785/