Sao người ta đi ô tô còn mẹ lại đi xe máy điện?
Câu hỏi của con trẻ: 'Mẹ ơi, sao người ta đi ô tô, còn mẹ lại đi xe máy điện' rất ngây thơ nhưng khiến bao người mẹ nghẹn lòng.
Một người mẹ từng kể lại cuộc trò chuyện với con trên nhóm mạng xã hội. Hôm ấy, chị chạy xe máy điện chầm chậm ngang qua cổng khu chung cư. Phía sau, cô con gái nhỏ ngồi trên yên ngân nga một giai điệu vui tai.
Đi được một đoạn bất ngờ con bé nghiêng đầu hỏi: “Mẹ ơi, sao các bạn được ba mẹ đón bằng ô tô, còn mẹ lại đi xe máy điện?”
Một câu hỏi ngắn thôi nhưng làm tim chị nhói lên. Giọng con không trách móc, không oán than, chỉ là sự tò mò, lẫn chút ngưỡng mộ âm ỉ mà con cố giấu.
Chị bối rối. Câu hỏi ấy như soi rọi vào chính những điều chị vẫn luôn lặng lẽ tránh né: sự khác biệt, sự so sánh và cảm giác có phần... "thiếu sót" dành cho con.
Chị đã từng nghe rất nhiều câu hỏi tương tự từ chính con mình:
“Mẹ ơi, sao nhà bạn to mà nhà mình nhỏ vậy?”
“Mẹ ơi, sao con không được mua món đồ chơi giống các bạn?”
Và mỗi lần như vậy, chị đều nghẹn lại. Vì chị biết đó là những khoảnh khắc đầu tiên con chạm tay vào thế giới rộng lớn, nơi mọi thứ bắt đầu được cân đo đong đếm bằng ánh nhìn của người khác. Đó cũng là lúc con bắt đầu học bài học về sự so sánh, về giá trị bản thân và về cách mình thuộc về cuộc sống này.

Ảnh minh họa
Mẹ trả lời thế nào khi con so sánh?
Một vài người sẽ đùa cợt cho qua chuyện: “Vì nhà mình không có tiền chứ sao!”
Có người thì né tránh: “Thôi đừng hỏi nữa, nhanh về đi con”.
Có người thở dài bất lực: “Rồi sau này mẹ cố gắng, mình cũng sẽ có ô tô, có nhà lớn như ai”.
Nhưng dù trả lời thế nào, sâu trong lòng người mẹ ấy đều có một nỗi nghẹn, nỗi buồn mang tên “liệu mình có đủ tốt?” Người ta có thể cho con mọi thứ từ xe đẹp, nhà to, đồ chơi xịn đến những chuyến du lịch nước ngoài… còn mình chỉ có chiếc xe máy điện cũ kỹ. Có phải mình đang làm con thiệt thòi?
Nhưng liệu chiếc ô tô kia có thực sự quan trọng đến thế?
Có gia đình không dư dả, cả hai vợ chồng đều là công chức bình thường. Suốt mấy năm, người vợ vẫn dùng xe máy điện để đưa con đến lớp.
Một hôm, cậu con trai 7 tuổi của chị buột miệng hỏi: “Mẹ ơi, sao mình không đi ô tô? Mẹ bạn Tùng ngày nào cũng lái xe hơi xịn tới đón bạn ấy”.
Chị không ngạc nhiên, chỉ cười nói: “Ừ, mẹ thấy xe máy điện cũng tiện lắm. Nhà mình gần trường, đi xe máy vừa nhanh, lại vừa thoáng mát, không kẹt xe, không ồn ào. Con có để ý là mỗi sáng mẹ con mình vừa đi vừa nói chuyện, ngắm hoa bên đường không? Những điều đó ngồi trong ô tô không thấy được đâu”.
Cậu bé vẫn băn khoăn: “Nhưng bạn con bảo ô tô xịn và ngầu lắm…”
Lần này, chị dừng xe, ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt con và nhẹ nhàng nói: “Đúng rồi, ô tô cũng tốt chứ. Nhưng đâu phải ai cũng cần giống nhau. Mẹ rất quý những buổi sáng hai mẹ con cùng nhau đi học, chậm rãi nhìn ngắm thành phố, kể nhau nghe chuyện hôm qua, cười với nhau trên từng đoạn đường. Đó là hạnh phúc của mẹ. Điều quan trọng không phải là mẹ đi xe gì, mà là mẹ luôn đi cùng con. Điều mẹ tự hào nhất không phải là xe mà là có con ở bên mẹ”.
Cậu bé bỗng cười tươi rói: “Vậy thì con cũng thích đi xe máy điện với mẹ!”
Khi trẻ biết so sánh, mẹ có thể trao cho trẻ sự tự tin hoặc nỗi bất an
Trẻ bắt đầu so sánh từ rất sớm. Đặc biệt là ở độ tuổi 6 – 12 khi thế giới của các em mở rộng ra khỏi vòng tay cha mẹ. Các em nhìn bạn bè, thầy cô, nhìn thế giới ngoài kia và bắt đầu đặt câu hỏi về chính mình:
“Con có bằng bạn không?”
“Con có xứng đáng được yêu thương không?”
Nếu người mẹ chỉ biết lảng tránh hoặc tự ti, hoặc mang mặc cảm trong lòng, con sẽ vô thức học theo và ngầm hiểu giá trị của mình phụ thuộc vào những gì mình có chứ không phải là con người mình.
Nhưng nếu người mẹ đủ vững chãi để mỉm cười trước sự khác biệt, đủ can đảm để không so đo, không xấu hổ với những điều giản dị thì con cũng sẽ học cách yêu chính mình, yêu cuộc sống dù nó không lộng lẫy như ai.
3 điều mẹ nên trao cho con thay vì một chiếc ô tô
Chấp nhận sự bình thường, không né tránh khi con so sánh
Đôi khi, trẻ không cần mẹ có tất cả, chỉ cần mẹ không né tránh sự thật.
“Đúng là nhà mình không to như nhà bạn. Nhưng có nhiều sách, nhiều tiếng cười và có mẹ ở nhà mỗi tối. Vậy là tuyệt rồi”.
“Mẹ không có xe hơi nhưng mẹ có chiếc xe máy điện, và mỗi sáng được chở con là niềm vui của mẹ”.
Dạy con biết trân trọng thay vì so sánh
Mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi người một hạnh phúc.
“Bạn có ô tô, tốt quá. Mình có xe điện cũng ổn mà”.
“Con thấy nhà mình đặc biệt ở điểm nào nhất?”
Từ những câu hỏi như thế, con sẽ học cách nhìn thấy điều đẹp đẽ trong những điều nhỏ bé.
Làm gương cho con bằng chính thái độ sống của mẹ
Đừng chỉ dạy con yêu bản thân bằng lời nói, hãy cho con thấy qua từng hành động mỗi ngày. Sống lạc quan, không than phiền, không xấu hổ vì điều mình không có. Biết ơn mỗi bữa cơm, mỗi buổi sáng được cùng con ra khỏi nhà, mỗi lần con ôm mẹ thật chặt.
Bạn không cần là người mẹ giàu có nhất, không cần xe sang, nhà rộng hay danh tiếng. Bạn chỉ cần là người mẹ luôn hiện diện bằng tình yêu, bằng sự chân thành, bằng đôi tay luôn sẵn sàng ôm lấy con.