Sạp báo giấy bên lề thời đại số

Hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ khiến người dân quen với việc đọc tin tức bằng điện thoại thông minh, máy tính.

Ông Đinh Văn Phụng (67 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) là khách quen mua báo của bà Lâm Thị Kim (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) trong suốt hàng chục năm nay. Ảnh: Đ.TÙNG

Ông Đinh Văn Phụng (67 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) là khách quen mua báo của bà Lâm Thị Kim (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) trong suốt hàng chục năm nay. Ảnh: Đ.TÙNG

Tuy nhiên, tại thành phố Biên Hòa vẫn còn các sạp báo giấy có tuổi đời hàng chục năm tồn tại giữa “dòng chảy cuồn cuộn” của thời đại số.

“Những người muôn năm cũ”

Rạng sáng 16-6, mưa lất phất làm ướt đẫm các con đường nội thành Biên Hòa. Khoác vội chiếc áo lạnh đã sờn màu, bà Nguyễn Phương Lan (67 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) lại chậm rãi đạp xe ra mở cửa sạp báo nhỏ của bà kế bên UBND phường Thanh Bình. Đây là sạp báo “gia truyền” do cha của bà mở ra từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, rồi em trai bà tiếp nhận vài năm sau đó và cuối cùng tới lượt bà đứng bán từ năm 2012 (mọi người quen gọi là sạp báo chợ trái cây Biên Hòa).

“Suốt 12 năm nay, cứ 4h sáng là tôi đã mở sạp bán báo, chỉ trừ vài ngày Tết Nguyên đán là nghỉ, còn lại thì tôi mở bán quanh năm. Hiện sạp báo của tôi có nhiều đầu báo quen thuộc như: Đồng Nai, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công an Thành phố Hồ Chí Minh… Khách mua ở đây chủ yếu là khách quen, nên khi vừa tấp xe vào cửa hàng, tôi đã hiểu ý và cầm những tờ báo yêu thích đưa cho họ” - bà Lan bộc bạch.

Trước đây, các sạp báo tại thành phố Biên Hòa không chỉ bán báo mà còn bán nhiều ấn phẩm phục vụ mọi lứa tuổi như: tạp chí, truyện, sách, trong đó có cả các ấn phẩm dành cho thiếu nhi, các ấn phẩm dành cho mùa thi đại học hoặc các sự kiện thể thao lớn. Thậm chí, có khi báo nhập về trong ngày bán không đủ, các sạp báo còn phải đi photocopy báo để phục vụ khách hàng quen thuộc. Vì vậy, việc kinh doanh của các sạp báo rất khấm khá, mở bán thường xuyên từ sáng sớm đến tận chiều tối và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình họ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, công nghệ phát triển, người dân mua báo dần ít đi vì tin tức có thể đọc trên internet nhờ điện thoại thông minh, máy tính. Điều này khiến cho ngay trong các tuyến đường nội thành Biên Hòa, số sạp báo giấy cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và ngày càng “vắng” dần. Do đó, cả người bán báo lẫn người mua báo hiện nay chủ yếu là người trung niên, cao tuổi với thói quen đọc báo giấy suốt hàng chục năm qua.

Theo những người bán báo, “thời hoàng kim” của báo giấy cách đây hơn 10 năm trở về trước, mỗi ngày các sạp bán được 300-1.000 tờ, thu nhập đủ sức nuôi sống gia đình. Bây giờ, khi mỗi ngày chỉ còn bán được vài chục đến 100 tờ thì công việc bán báo chủ yếu để khuây khỏa, tự tạo niềm vui cho tuổi già và giữ chân khách quen.

Ông Nguyễn Văn Hồi (70 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) cho biết, mỗi sáng sớm, trên đường đi tập thể dục về, ông thường ghé sạp báo kế bên UBND phường Thanh Bình để mua. Đây là niềm vui đơn giản mỗi ngày của ông. Việc cầm trên tay những tờ báo quen thuộc, thấy tờ báo vẫn phát triển từng ngày với nhiều bài viết sinh động, hấp dẫn; trình bày đẹp chính là lý do ông chọn báo giấy là “món ăn tinh thần” suốt hàng chục năm qua.

“Chật vật” tìm chỗ đứng

Sạp báo giấy nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám đối với bà Lâm Thị Kim (73 tuổi, ngụ phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) như một “gia tài”. Đây là “cơ nghiệp” đã nuôi sống gia đình 5 người của bà từ năm 1985, nhưng nay chỉ còn là nơi bà tìm niềm vui sống mỗi ngày. Thu nhập từ bán báo đã giảm rất nhiều, chỉ còn hơn 100 ngàn đồng/ngày (sau khi trừ chi phí).

Khách mua báo của bà Nguyễn Phương Lan (67 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) ở sạp báo kế bên UBND phường Thanh Bình chủ yếu ở độ tuổi trung niên.

Khách mua báo của bà Nguyễn Phương Lan (67 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) ở sạp báo kế bên UBND phường Thanh Bình chủ yếu ở độ tuổi trung niên.

Bà Lâm Thị Kim cho hay: “Trước đây, các sạp báo lớn chỉ có thể bán báo, tạp chí, truyện tranh là dư sống; các sạp nhỏ hơn thì có thể bán kèm tại các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê “cóc”. Nhưng nay, để có thể trụ được giữa thời đại mà người nào cũng đọc tin tức trên internet thì các sạp báo thường bán thêm một số mặt hàng khác, như tôi thì bán một ít trái cây, người khác thì bán thêm vé số… Đây vừa là vấn đề mưu sinh mỗi ngày, vừa tìm kiếm niềm vui khi tuổi đã cao”.

Do gắn bó với nghề bán báo gần 40 năm, bà Lâm Thị Kim hiểu rõ sự đổi thay của báo giấy theo năm tháng. Tuy nhiên, dù tờ báo giấy thay đổi, thị hiếu của độc giả cũng thay đổi nhưng vẫn có một lượng nhất định các độc giả trung thành với báo giấy, trở thành “mối ruột” của các sạp báo trong hàng chục năm qua. Đó là cán bộ hưu trí, người cao tuổi vì họ có nhiều thời gian để “nhâm nhi” thông tin trên báo và việc này cũng để duy trì thói quen dậy sớm đi tập thể dục rồi mua báo đọc của họ. Cả người bán lẫn người mua đều xem sạp báo như 1 “điểm hẹn” mỗi ngày để gặp gỡ, trò chuyện, bàn luận vấn đề thời sự với những người có cùng sở thích đọc báo giấy.

Hơn 30 năm nay, mỗi sáng, ông Đinh Văn Phụng (67 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) đều ghé mua báo tại sạp của bà Lâm Thị Kim. Là độc giả quen thuộc của Báo Đồng Nai, Báo Thanh Niên… từ đầu những năm 90, ông Phụng cho biết, đọc báo giấy không chỉ để tiếp nhận tin tức mà còn để duy trì thói quen đã hình thành từ khi còn trẻ.

Ông Đinh Văn Phụng tâm sự, ông cũng có điện thoại thông minh để đọc báo mạng, xem mạng xã hội nhưng ông vẫn thích cầm đọc tờ báo giấy. Với các bài viết hay, ông còn cắt ra, giữ lại trong sổ ở nhà. Vì các bài đăng trên báo giấy đều có độ tin cậy cao, có thể lưu trữ lâu dài làm tư liệu. Không chỉ vậy, với ông Phụng, việc tìm đọc báo giấy cũng là một cách để giữ gìn và phát huy văn hóa đọc.

Để “giữ chân” độc giả với báo giấy, quan trọng nhất vẫn là nội dung sâu sắc; hình ảnh sinh động, thực tế; trình bày đẹp. Do đó, những độc giả lớn tuổi tại thành phố Biên Hòa nhận định, báo giấy hiện nay cần tìm các thị trường “ngách”, nơi độc giả cần các thông tin đậm nét, phân tích có chiều sâu và hơn hết đáp ứng được nhu cầu thông tin gắn liền với địa phương mà người dân sinh sống.

Để Báo Đồng Nai đến tay bạn đọc, ngay sau khi báo được in ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được giao về các sạp báo vào khoảng 3h mỗi ngày để các sạp bắt đầu sắp xếp báo giấy để bán vào lúc 4h. Hiện mỗi ngày, vẫn còn dưới 500 tờ Báo Đồng Nai được phát hành ra các sạp.

Trần Trung Phi

Ân tình báo giấy

Tại các phường nội ô Biên Hòa, nếu là khách vãng lai, khó tìm một sạp báo giấy. Danh ngữ “sạp báo” thời điểm này rất khó hình dung đối với giới trẻ khi chưa từng thấy hình ảnh sạp báo màu sắc tươi vui, các đầu báo ken dày sạp trên các đường phố.

Hầu hết các sạp báo đều bán thêm vé số để có thêm chút ít nguồn thu. Với các loại báo cuối tuần của Đồng Nai, Tuổi Trẻ… ai có dặn sạp mới đặt vì thể thức “mua đứt bán đoạn” nếu “ôm” một tờ như Tuổi Trẻ cuối tuần 14.500 đồng/tờ, coi như hết tiền lời bán báo trong ngày…

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/sap-bao-giay-ben-le-thoi-dai-so-6c01917/