Sắp vận hành sàn giao dịch Khoa học và công nghệ Việt Nam
Vận hành theo mô hình hợp tác công - tư, Sàn giao dịch Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam có chức năng hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị chào bán qua các gian hàng...

Theo TTXVN, sàn được đầu tư, vận hành theo mô hình hợp tác công - tư, trong đó Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, chia sẻ cơ sở dữ liệu KH&CN, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua bán công nghệ qua sàn, đảm bảo an toàn, minh bạch.
Hiện sàn vừa ra mắt, gồm sàn giao dịch pha 1 và 2. Trong đó, sàn giao dịch (pha 1) có thông tin về 600 công nghệ chào bán dưới dạng thiết bị, máy móc; 50 nhu cầu tìm mua công nghệ; 150 chuyên gia tư vấn và môi giới công nghệ.
Còn sàn giao dịch (pha 2) tiếp tục phát triển thêm các tính năng như tương tác cung - cầu công nghệ trực tuyến; tư vấn, môi giới công nghệ; công cụ thống kê số lượng và giá trị giao dịch; các dịch vụ tư vấn về tài chính, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ... Đồng thời, phát triển, hoàn thiện và kết nối đến các cơ sở dữ liệu KH&CN, đổi mới sáng tạo; kết hợp sàn trực tuyến và trực tiếp.
Để tiếp tục hoàn thiện sàn giao dịch (pha 2), dự kiến đến tháng 11-2025, các cơ quan liên quan cần phải thực hiện phát triển thêm các tính năng: Tương tác cung - cầu công nghệ trực tuyến...
Được biết, việc ra mắt Sàn giao dịch KH&CN tại Việt Nam sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong hiện đại hóa thể chế KH&CN và chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu. Sàn giao dịch công nghệ không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà còn là hạ tầng cốt lõi thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức.
Thực tế, Việt Nam đã có hơn 10 năm hình thành và vận hành hệ thống 22 cổng thông tin công nghệ địa phương và tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ quy mô lớn. Có thể kể đế như Techmart, Techconnect and Innovation, Techfest. Những nền tảng này đã đặt nền móng quan trọng cho việc phát triển mô hình sàn giao dịch công nghệ.