Sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập: Vướng từ đâu? (Bài 1) - Đủ nhưng vẫn... thiếu

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) của Trung ương, của tỉnh, từ cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh có hàng trăm xã, phường, thị trấn được sắp xếp, sáp nhập. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã, đang hoạt động ổn định, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập cũng nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư.

Do thiếu phòng làm việc, nhiều bộ phận chuyên môn của UBND xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) phải làm việc tập trung tại hội trường cũ. Ảnh: Phong Sắc

Do thiếu phòng làm việc, nhiều bộ phận chuyên môn của UBND xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) phải làm việc tập trung tại hội trường cũ. Ảnh: Phong Sắc

Phát huy tốt công năng...

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Thanh Hóa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã (giảm 76 xã), qua đó toàn tỉnh đã giảm số ĐVHC cấp xã từ 635 xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã đã góp phần tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng. Nhiều đơn vị sau khi sáp nhập đã phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có cũng như nguồn lực về con người. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tăng nguồn lực đầu tư để phát triển...

Năm 2018, xã Hà Dương (Hà Trung) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng khu công sở mới 2 tầng với 20 phòng làm việc và 1 hội trường lớn cùng nhiều công trình phụ trợ khác trong khuôn viên 6.700m2 đất. Sau đó 1 năm, ngày 1/12/2019, thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, xã Hà Dương và xã Hà Yên được sáp nhập và đổi tên thành xã Yên Dương. Ngay khi sáp nhập trụ sở xã Hà Dương (cũ) được trưng dụng làm công sở. Do mới được xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ nên khi sáp nhập mặc dù số lượng cán bộ, công chức tăng, song công sở của xã Hà Dương (cũ) nay là xã Yên Dương vẫn đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động của các bộ phận chuyên môn.

Ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Yên Dương, cho biết: "Với “cơ ngơi” khang trang và đầy đủ các phòng chức năng, chúng tôi không bị thiếu phòng làm việc sau sáp nhập dù số lượng cán bộ, công chức tăng. Từ khi sáp nhập đến nay, địa phương đã sử dụng và phát huy tốt công năng của từng phòng cũng như trang thiết bị được đầu tư trước đó. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc, năm 2022 xã tiếp tục đầu tư và đưa vào sử dụng khu Một cửa liên thông. Có thể nói, sau hơn 4 năm sáp nhập, các điều kiện phục vụ nhiệm vụ chuyên môn tại công sở xã Yên Dương luôn được bảo đảm; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức không ngừng được nâng cao, chỉ đáng tiếc là công sở xã Hà Yên (cũ) hiện vẫn đang bỏ không, chưa chuyển đổi được công năng sử dụng".

Cũng như xã Yên Dương, thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa đã thành lập thị trấn Thiệu Hóa trên cơ sở nhập toàn bộ 5,16km2 diện tích tự nhiên, 8.122 người của xã Thiệu Đô và toàn bộ 5,52km2 diện tích tự nhiên, 8.828 người của thị trấn Vạn Hà. Tiếp đó đầu năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH15, ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Thiệu Hóa nhập toàn bộ 6,53km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa. Theo ông Đỗ Thành Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, ngay sau sáp nhập, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tích cực sắp xếp ổn định bộ máy và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Riêng việc sử dụng tài sản công, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của công sở thị trấn lúc bấy giờ, địa phương đã chủ động bố trí, sắp xếp các bộ phận chuyên môn theo các phòng làm việc riêng bảo đảm yêu cầu. Thuận lợi của thị trấn sau khi sáp nhập là tất cả các trang thiết bị như máy tính, bàn ghế... từ các đơn vị xã sáp nhập được dồn về để lựa chọn và sử dụng lợp lý. Chính vì vậy, tất cả các phòng chuyên môn của thị trấn đều được trang bị đầy đủ các điều kiện phục vụ nhu cầu làm việc theo yêu cầu mới.

Được biết, cùng với việc phát huy hiệu quả công năng của cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, cấp ủy, chính quyền thị trấn Thiệu Hóa đã tăng cường cán bộ đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân nhằm kịp thời giải quyết những phát sinh, vướng mắc sau khi tiến hành hợp nhất. Do đó, dù địa bàn rộng với hơn 17km2, dân số khoảng 30.000 người, khối lượng công việc lớn, nhưng đội ngũ cán bộ của thị trấn luôn nỗ lực, đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương không ngừng phát triển.

Thực tế cho thấy, trong quá trình sắp xếp ĐVHC, một vấn đề được cả cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm đó là việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, tài sản công sao cho hợp lý và hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được đề cập thường xuyên trong các hội nghị từ Trung ương đến cấp tỉnh về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã qua từng giai đoạn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Việc sắp xếp ĐVHC là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác nên rất cần có sự đồng thuận của Nhân dân. Trong đó, cần quan tâm giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư và tài sản công; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sau khi sắp xếp. Nếu giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo động lực cho việc sắp xếp trong giai đoạn tới.

... nhưng vẫn “quá tải” phòng làm việc

Bên cạnh những địa phương được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, bảo đảm đủ điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức tăng gấp đôi sau sáp nhập ĐVHC; thì ngược lại, tại một số địa phương, nhất là những địa phương phải bỏ trụ sở mới, chọn trụ sở cũ để sử dụng lại xảy ra tình trạng cán bộ, công chức thiếu phòng làm việc, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra sau sáp nhập.

Công sở xã Yên Dương (Hà Trung) được đầu tư hiện đại, đồng bộ bảo đảm điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập. (Ảnh Tố Phương)

Công sở xã Yên Dương (Hà Trung) được đầu tư hiện đại, đồng bộ bảo đảm điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập. (Ảnh Tố Phương)

Tại xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) sau khi sáp nhập với xã Châu Lộc, tất cả cán bộ, công chức đều tập trung làm việc tại công sở xã Triệu Lộc. Trụ sở này được xây dựng từ năm 2007 với quy mô 2 tầng, 12 phòng làm việc và 1 hội trường. Ông Đặng Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc, cho biết: Trước khi sáp nhập, công sở xã Triệu Lộc chỉ đáp ứng đủ cho 18 cán bộ, công chức thuộc các bộ phận chuyên môn hoạt động. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập trụ sở này trở nên “quá tải” khi số cán bộ, công chức tăng lên tới 38 người (nay giảm còn 27 người). Do đó, xã đã phải bố trí ghép một số bộ phận chuyên môn vào cùng một phòng làm việc, nhưng do thiết kế phòng không đủ lớn, trong khi mỗi phòng phải bố trí bàn ghế, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nên rất chật chội. Trước thực trạng này xã đã sử dụng hội trường cũ để bố trí nơi làm việc tập trung cho các bộ phận như tư pháp, văn hóa - xã hội, địa chính nông nghiệp, thống kê, kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lộc Đặng Văn Trí chia sẻ thêm: “Hơn 4 năm qua, mặc dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi cán bộ, công chức xã Triệu Lộc luôn nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của địa phương”.

Được biết, sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị, đầu tháng 6/2024 xã Triệu Lộc đã được tỉnh và huyện hỗ trợ gần 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới khu nhà làm việc 2 tầng với 18 phòng làm việc. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2025.

Tương tự, tại thị trấn Hà Trung sau khi nhập xã Hà Phong vào thị trấn, tình trạng thiếu phòng làm việc cũng là nỗi trăn trở của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Qua tìm hiểu được biết, công sở thị trấn được xây dựng cách đây hơn 20 năm, nhiều hạng mục không đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Đặc biệt sau khi nhập xã Hà Phong vào thị trấn Hà Trung, số lượng cán bộ, công chức tăng lên, dẫn đến tình trạng thiếu nhiều phòng làm việc. Có thời điểm, 4 công chức địa chính của thị trấn làm việc chung một phòng với diện tích khoảng 13m2. Do thiếu phòng, thị trấn phải bố trí xen ghép một số tổ chức đoàn thể làm việc chung một phòng, như Đoàn thanh niên được bố trí cùng phòng với Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN bố trí cùng phòng với Hội Nông dân... Đối với lãnh đạo thì bố trí đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn cùng phòng với đồng chí Phó Chủ tịch HĐND thị trấn.

Ông Đỗ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Trung, chia sẻ: Công sở xã Hà Phong cũ thì bỏ không, công sở thị trấn đang hoạt động thì thiếu phòng làm việc, đây có lẽ là bất cập lớn nhất khi thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập ĐVHC đối với thị trấn Hà Trung. Với số lượng cán bộ, công chức hiện tại là 26 người, tính ra công sở của thị trấn còn thiếu 4 phòng làm việc. Đặc biệt, hiện nay công sở vẫn chưa có khu vực riêng cho bộ phận “Một cửa” hoạt động; chưa có phòng tiếp dân nên khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc tiếp dân, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, cán bộ, công chức đều phải tiếp tại phòng làm việc. Điều này không chỉ trái với quy định của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết công việc của một số bộ phận chuyên môn khi phải sử dụng chung phòng làm việc. Ông Vinh hy vọng, những khó khăn, vướng mắc trên sẽ sớm được tháo gỡ, khi tới đây công sở mới được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.

Việc sáp nhập ĐVHC ngoài đem lại nhiều lợi ích thiết thực cũng đã nảy sinh không ít bất cập khi tình trạng thiếu cơ sở vật chất đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Làm một phép tính đơn giản, trước sáp nhập nếu 2 xã phải có 2 công sở thì sau sáp nhập 2 địa phương thành 1, hoặc 3 địa phương thành 1, số cán bộ, công chức tăng lên gấp đôi, gấp ba sẽ cần một công sở phù hợp cả về quy mô và diện tích. Trên thực tế, phần lớn các công sở đều xây dựng trước sáp nhập nên không đáp ứng đủ phòng làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập. Trong khi 76 công sở bỏ không rất lãng phí về cơ sở vật chất và đất đai thì nhiều công sở khác đã và sẽ phải đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chủ trương sáp nhập ĐVHC là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Song, vấn đề thừa, thiếu cơ sở vật chất sau sáp nhập phải giải quyết ra sao cho phù hợp, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất sự lãng phí ngân sách của Nhà nước, hiện vẫn là bài toán cần sớm có lời giải.

Phong Sắc - Tố Phương

Bài 2: Hàng loạt công trình tiền tỷ... bỏ hoang.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sap-xep-xu-ly-tai-san-cong-doi-du-sau-sap-nhap-vuong-tu-dau-bai-1-du-nhung-van-thieu-218665.htm