Sạt lở đê tại xã Thượng Kiệm, nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống của người dân

Bạn đọc phản ánh tuyến đê hữu sông Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang bị sụt lún nghiêm trọng: Bên thân đê phía sông Vạc có đoạn nứt toác rất rộng; có đoạn bị sụt lún sâu gần 2 m, tạo thành hố, rãnh dài gần 100 m, dễ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt sản xuất của nhân dân trong vùng.

Tuyến đê hữu sông Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm bị sạt lở nghiêm trọng.

Tuyến đê hữu sông Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm bị sạt lở nghiêm trọng.

Bạn đọc phản ánh tuyến đê hữu sông Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang bị sụt lún nghiêm trọng: Bên thân đê phía sông Vạc có đoạn nứt toác rất rộng; có đoạn bị sụt lún sâu gần 2 m, tạo thành hố, rãnh dài gần 100 m, dễ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt sản xuất của nhân dân trong vùng.

Ông Phạm Xuân Thu ở xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn cho biết: "Tôi thường xuyên đi kiểm tra tuyến đê hữu sông Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm vì được giao nhiệm vụ là quản lý đê nhân dân. Ðầu tháng 2-2020, tôi phát hiện tuyến đê hữu sông Vạc bị sạt lở từ đoạn Km 20+608 đến Km 20+693. Vết sạt lở ẩn trong những lùm cỏ dại mọc um tùm. Phát quang lớp cỏ che chắn thì thấy rõ một đoạn đê bị nứt toác thành hố sâu. Ðến nay, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra âm thầm. Có đoạn nứt toác rất rộng, người đứng ngang vết nứt cũng vừa; có đoạn bị sụt lún sâu tới gần 2 m, tạo thành hố, rãnh dài gần 100 m. Tuyến kè cứng khu vực chân đê thì bị đùn đẩy nghiêng về phía sông Vạc, trong đó có một số đoạn kè đã bị vỡ rơi xuống sông, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân nhất là về ban đêm".

Tìm hiểu được biết, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn được giao quản lý gần 11 km đê hữu sông Vạc. Khu vực sạt lở đê nêu trên nằm liền kề với gần 20 mẫu ruộng canh tác và nơi cư trú của 600 hộ dân xóm 3, xóm 4 thuộc xã Thượng Kiệm. Dưới thân đê gần khu vực sạt lở có cống Ðồng Cói lấy nước từ sông Vạc vào đồng ruộng phục vụ người dân sản xuất. Theo người dân ở đây phản ánh thì cống Ðồng Cói xây dựng đã lâu, đến nay bị xuống cấp và rò rỉ do thân đê sụt lún ngầm, cho nên nước từ sông Vạc thường xuyên tràn qua cống Ðồng Cói vào ruộng, khiến gần 20 mẫu ruộng của người dân xóm 3, xóm 4 không thể canh tác được, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân. Thực tế một số hộ dân ở đây đã bỏ ruộng hoang hóa, rất lãng phí, song cấy nhiều vụ rồi không thu hoạch được gì, cho nên họ không muốn canh tác. Nay xảy ra sụt lún đê, người dân càng lo lắng vì mùa mưa, bão đang đến gần, nếu tình trạng nêu trên không sớm được xử lý triệt để, nước sông Vạc chảy xiết trong mùa lũ sẽ thục sâu vào thân đê, gây thêm xói lở, càng tạo ra nguy cơ vỡ đê ở mức cao, sẽ ảnh hưởng sự an toàn không chỉ cho hàng nghìn hộ dân xã Thượng Kiệm và một phần dân cư ở khu vực phố Phú Vinh và một số phố khác thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn.

Ðể bảo đảm an toàn cho người dân, lãnh đạo xã Thượng Kiệm đã cảnh báo cho người dân tất cả các xóm nắm rõ diễn biến sự cố sạt lở đê hữu sông Vạc; tổ chức xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu theo phương châm bốn tại chỗ gồm: Tạm ký kết hợp đồng với một số cơ sở kinh doanh vật liệu trên địa bàn mua 500 cọc gỗ, dài từ bốn đến năm mét; chuẩn bị 1.500 bao tải, bố trí vị trí lấy đất hộ đê, ký kết với một số doanh nghiệp có máy xúc và huy động 50 nhân lực... chủ động sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra. UBND huyện Kim Sơn đã ban hành Công văn số 212, tập trung chỉ đạo ngành chức năng như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hạt quản lý đê Kim Sơn, UBND xã Thượng Kiệm tích cực triển khai các phương án kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở...

Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở khu vực tuyến đê hữu sông Vạc bị sạt lở nghiêm trọng, thì các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu từ sự cố sạt lở nêu trên mới chỉ là tình thế. Nhiều người dân kiến nghị giải pháp trước mắt là ngành chức năng của huyện Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình phải triển khai ngay việc cắm biển cảnh báo nghiêm cấm các phương tiện xe cơ giới đi qua đoạn đê bị sạt lở nguy hiểm từ Km 20+608 đến Km 20+693 thuộc tuyến đê hữu sông Vạc. Mặt khác, do đê hữu sông Vạc là tuyến đê xung yếu có vai trò quan trọng trong phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Sông Vạc còn là một trong nhiều tuyến đường thủy lớn của địa phương. Do vậy, tỉnh Ninh Bình cần khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Kim Sơn nhanh chóng khắc phục sự cố sạt lở nêu trên; nghiên cứu và đề ra giải pháp chống sạt lở trên toàn tuyến đê hữu Vạc mới bảo đảm an toàn cho tuyến đê này và cuộc sống của nhân dân trên địa bàn khi mùa mưa, bão đang tới gần.

"Hiện tượng sụt lún đê hữu sông Vạc diễn ra từ lâu, cho nên cống Ðồng Cói dưới tuyến đê hữu Vạc chạy qua xã Thượng Kiệm mới bị rò rỉ. Nhiều kỳ họp HÐND xã, người dân đã kiến nghị huyện Kim Sơn quan tâm sửa chữa cống Ðồng Cói bởi vì hiện nay hệ thống cống này không thể điều tiết được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa, bão đang tới gần, đề nghị tỉnh Ninh Bình sớm quan tâm xử lý sụt lún và các tuyến cống hư hỏng trên đê hữu sông Vạc, bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng".

PHẠM TIẾN MẠNH

Chủ tịch UBND xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

"Khu vực sạt lở tuyến đê hữu sông Vạc có một số hộ kinh doanh cát lấn chiếm hành lang bảo vệ đê sông Vạc. Do vậy, huyện Kim Sơn cần tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê; đồng thời xây dựng phương án phối hợp lực lượng vũ trang chi viện ứng cứu kịp thời mới ngăn chặn được các tình huống xấu có thể xảy ra".

NGUYỄN VĂN THÁI

(Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Bài và ảnh: MINH PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/43450402-sat-lo-de-tai-xa-thuong-kiem-nguy-co-anh-huong-cuoc-song-cua-nguoi-dan.html