Sau 'ải' Thượng viện, 'siêu dự luật' của ông Trump đối mặt rào cản bổ sung tại Hạ viện Mỹ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson không được phép để mất nhiều hơn 3 phiếu của Đảng Cộng hòa nếu ông muốn dự luật khổng lồ này được thông qua.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang xem xét dự luật thuế và chi tiêu siêu khổng lồ của Tổng thống Donald Trump sau khi nhận được phiên bản do Thượng viện Mỹ sửa đổi và thông qua với lá phiếu "phá băng" của Phó Tổng thống JD Vance.

"Dự luật lớn, tuyệt vời" – đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về thuế và nhập cư của Tổng thống Trump – sẽ phải đối mặt với những rào cản bổ sung khi được đưa ra bỏ phiếu lần cuối tại Hạ viện Mỹ dự kiến vào ngày 2/7.

Một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã lên tiếng lo ngại rằng phiên bản dự luật của Thượng viện sẽ làm tăng thêm quá nhiều thâm hụt. Hạ viện đã thông qua một phiên bản trước đó của dự luật vào tháng 5 với chỉ 1 phiếu bầu duy nhất chênh lệch.

Nhưng một số đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu thông qua dự luật vào thời điểm đó dưới sức ép hiện đang tuyên bố phản đối dự luật ở định dạng do Thượng viện thông qua, khiến thời hạn ngày 4/7 do ông Trump tự đặt ra gặp rủi ro.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn có "Dự luật lớn, tuyệt vời" trên bàn làm việc của mình để ký vào ngày 4/7/2025, Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn có "Dự luật lớn, tuyệt vời" trên bàn làm việc của mình để ký vào ngày 4/7/2025, Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Ảnh: Al Jazeera

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thuộc nhóm ôn hòa và nhóm cứng rắn đều đang thúc đẩy những thay đổi lớn hơn nữa đối với dự luật.

Trong khi một số lo ngại việc cắt giảm Medicaid mà Thượng viện đề xuất – sâu hơn mức mà Hạ viện ban đầu chấp thuận – đã đi quá xa, các nhà lập pháp cực kỳ bảo thủ lại rất tức giận với một số biện pháp mà Thượng viện bổ sung làm tăng chi phí và tác động của nó lên nợ công.

Ngoài ra, mức trần khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT) cũng là một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất đối với các nhà lập pháp vẫn còn "dao động".

Với sự phản đối thống nhất của Đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson không được phép để mất nhiều hơn 3 phiếu của Đảng Cộng hòa nếu ông muốn dự luật được thông qua, nếu tất cả các thành viên Hạ viện Mỹ đều có mặt và bỏ phiếu.

Cho đến nay, Hạ nghị sĩ Thomas Massie của bang Kentucky đã cam kết sẽ bỏ phiếu chống lại dự luật. Hạ nghị sĩ Warren Davidson của bang Ohio – người đã bỏ phiếu chống lại dự luật của Hạ viện vào tháng 5 do lo ngại về thâm hụt – chưa cho biết liệu lần này ông có đổi ý không.

Ông Trump, nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Đảng Cộng hòa, đã nhanh chóng chuyển sự chú ý của mình từ Thượng viện sang Hạ viện, gây áp lực công khai lên các nhà lập pháp trong đảng để tìm kiếm sự ủng hộ cho "siêu dự luật" của mình.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống sẽ gọi điện cho các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện vẫn còn "lấn cấn" về dự luật để thuyết phục họ bỏ phiếu ủng hộ, và Tổng thống không muốn thấy họ đề xuất những thay đổi mới khiến dự luật bị đưa trở lại đàm phán với Thượng viện.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Washington Post)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-ai-thuong-vien-sieu-du-luat-cua-ong-trump-doi-mat-rao-can-bo-sung-tai-ha-vien-my-204250702120157128.htm