Sau ăn có 4 dấu hiệu này, đừng chủ quan, có thể dạ dày đang 'kêu cứu' vì ung thư

Cảm giác khó chịu sau ăn tưởng chừng vô hại có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư dạ dày – căn bệnh nguy hiểm, tiến triển âm thầm và khó phát hiện.

Nhiều người thường cho rằng cảm giác khó chịu sau ăn chỉ là do ăn quá no, ăn vội, hay mệt mỏi tạm thời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tiêu hóa, đây có thể là lời cảnh báo sớm của ung thư dạ dày – căn bệnh âm thầm nhưng vô cùng nguy hiểm.

Ung thư dạ dày hiện là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất, với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh có thể tiến triển trong nhiều năm mà không gây triệu chứng rõ rệt. Thế nhưng, ngay sau bữa ăn, cơ thể vẫn có thể phát ra những tín hiệu bất thường. Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, người gặp các rối loạn tiêu hóa kéo dài sau ăn trong hơn 3 tuần có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2,8 lần so với người bình thường.

Dưới đây là 4 dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý nếu xuất hiện thường xuyên sau bữa ăn:

1. Đầy bụng, chướng hơi kéo dài dù ăn ít

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cảm giác bụng ậm ạch, khó chịu sau ăn là triệu chứng tiêu hóa khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đầy bụng ngay cả khi ăn ít, hãy cẩn trọng. Tình trạng này có thể phản ánh tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày – một yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư.

Khi lớp niêm mạc bị tổn thương, dạ dày sẽ hoạt động kém hiệu quả trong việc co bóp và tiết dịch tiêu hóa, khiến thức ăn lưu lại lâu hơn, gây cảm giác khó tiêu.

2. Buồn nôn hoặc nôn sau mỗi bữa ăn
Thỉnh thoảng buồn nôn sau ăn có thể do đồ ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ. Nhưng nếu cảm giác này lặp đi lặp lại, kèm theo hiện tượng nôn ra dịch lạ (đen sẫm, đỏ bầm, hoặc thức ăn còn nguyên), thì cần đi khám ngay.

Đây có thể là dấu hiệu của tổn thương nghiêm trọng trong dạ dày, thậm chí là khối u cản trở đường tiêu hóa hoặc gây hẹp môn vị – tình trạng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển.

3. Đau âm ỉ hoặc co thắt vùng thượng vị
Cơn đau sau ăn tập trung ở vùng thượng vị (trên rốn), đôi khi lan ra sau lưng, thường được người bệnh cho là đau dạ dày thông thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau có tính chất kéo dài, tái diễn, không giảm dù dùng thuốc thông thường, thì rất có thể đã có tổn thương sâu bên trong – từ viêm loét đến khối u ác tính.

Nếu cơn đau xuất hiện vào ban đêm, kèm theo sụt cân, mệt mỏi, thì khả năng ung thư dạ dày càng cần được đặt nghi vấn.

4. Ợ chua, nóng rát kéo dài sau ăn
Ợ hơi, ợ chua sau ăn là hiện tượng khá thường gặp. Tuy nhiên, nếu cảm giác nóng rát vùng ngực, cổ họng hoặc trào ngược dịch chua xuất hiện liên tục và kéo dài, rất có thể bạn đang mắc trào ngược dạ dày – thực quản mạn tính.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng này nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến viêm loét, dị sản niêm mạc thực quản (Barrett thực quản) – một yếu tố nguy cơ cao gây ung thư. Ở người bệnh ung thư dạ dày, tình trạng trào ngược thường nặng dần theo thời gian và không đáp ứng với các thuốc kháng axit thông thường.

Nếu bạn gặp một hoặc nhiều trong các triệu chứng kể trên trong thời gian dài, đặc biệt là sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn và nghỉ ngơi mà không cải thiện, hãy đi khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp bảo tồn chức năng dạ dày và kéo dài cơ hội sống nếu không may mắc ung thư.

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/sau-an-co-4-dau-hieu-nay-dung-chu-quan-co-the-da-day-dang-keu-cuu-vi-ung-thu-20479.html