Sau hơn một thập niên triển khai Nghị định 24, đến lúc cần minh bạch tài sản vàng

Trước bối cảnh giá vàng biến động mạnh và cơ chế điều hành không còn theo kịp thực tiễn, yêu cầu minh bạch hóa nguồn cung, hoạt động sản xuất về tài sản vàng trở nên ngày càng cấp thiết, đặc biệt khi sửa đổi Nghị định 24 giúp mở van, tăng nguồn cung vàng.

Biểu đồ: Tư liệu

Biểu đồ: Tư liệu

Sau hơn 10 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24), thị trường vàng tương đối ổn định, qua đó cho thấy những mục tiêu cốt lõi của nghị định này đã đạt được.

Thị trường vàng đứng trước ngã rẽ

Nghị định 24 ra đời đưa hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đi vào nề nếp, thị trường vàng trong nước chuyển biến rõ rệt. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế - vốn từng là nỗi lo lớn, được đẩy lùi đáng kể. Hiện tượng đầu cơ, tích trữ vàng theo tâm lý cũng không còn phổ biến như trước. Đặc biệt, những biến động của giá vàng quốc tế không còn gây ra tác động lớn lên thị trường ngoại hối hay tạo “sức ép” lớn lên kinh tế vĩ mô như giai đoạn tiền nghị định.

Mở khóa độc quyền, thiết lập cơ chế có kiểm soát

"Thống nhất với mục tiêu chuyển từ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sang cơ chế cấp phép hoạt động sản xuất vàng miếng. Việc xây dựng các điều kiện cấp phép nhằm lựa chọn các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện sản xuất vàng miếng, đảm bảo vẫn kiểm soát được trên nguyên tắc Nhà nước quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng". ThS. Trần Trọng Triết - Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15

Cùng với đó, sau nhiều năm thực hiện Nghị định 24, mối quan hệ giữa giá vàng và giá USD trở nên “mờ nhạt”, khác hẳn giai đoạn trước khi nghị định này ra đời. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, tỷ giá và lạm phát hoàn toàn nằm trong hoặc thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao Chính phủ.

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, giá vàng quốc tế và trong nước ghi nhận xu hướng tăng mạnh, chịu tác động bởi nhiều yếu tố cả bên ngoài và trong nước. Đáng chú ý là những biến động lớn, như: đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị leo thang tại một số khu vực, điển hình là xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel, cùng với đó là các “cuộc chiến thương mại” và chính sách thuế quan giữa các nền kinh tế lớn. Những yếu tố này làm gia tăng nhu cầu nắm giữ vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, qua đó đẩy giá vàng lên mức cao trong nhiều năm trở lại đây.

Trên thị trường xuất hiện tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế tại một số thời điểm, có lúc bị đẩy lên mức kỷ lục, lên tới 18 triệu đồng/lượng, tương ứng chênh lệch lên tới 25%, gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Chênh lệch giá cao làm gia tăng nguy cơ buôn lậu vàng qua biên giới, từ đó, tiềm ẩn rủi ro gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì cơ chế phụ thuộc vào một đơn vị duy nhất trong hoạt động gia công, sản xuất vàng miếng không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi năng lực sản xuất, công nghệ và kỹ thuật của đơn vị này trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện đại và nhu cầu thị trường.

Mở cơ chế, giữ kỷ cương

Bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 211-TB/VPTW ngày 30/5/2025 về quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 theo hướng đưa thị trường vàng vận động phù hợp với các nguyên tắc của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát, trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Đồng thời, mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự minh bạch trên thị trường; tiếp tục mục tiêu nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Theo đó, nội dung trọng tâm trong dự thảo là xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động sản xuất vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện sẽ được triển khai theo hướng phù hợp với chủ trương từng bước xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước trong lĩnh vực này.

Đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, cần quy định rõ trách nhiệm trong việc công bố, công khai tiêu chuẩn áp dụng, bao gồm khối lượng, hàm lượng sản phẩm theo quy định pháp luật. Đồng thời bảo đảm sản phẩm sản xuất đúng với tiêu chuẩn đã công bố và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông số kỹ thuật.

Các đơn vị này phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng sản phẩm vàng miếng do mình sản xuất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành theo quy định. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin để lưu trữ chính xác, đầy đủ dữ liệu liên quan đến quá trình sản xuất, đảm bảo khả năng kết nối, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng, cần bảo đảm tính minh bạch, hợp pháp về nguồn gốc vàng nguyên liệu nhập khẩu; xây dựng quy định nội bộ về hoạt động xuất - nhập khẩu và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Ngân hàng Nhà nước.

Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về chất lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu và sản phẩm vàng miếng sản xuất từ nguồn này, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Đồng thời, xây dựng quy định nội bộ về hoạt động bán vàng nguyên liệu theo nguyên tắc công khai, minh bạch; công bố rõ thông tin về điều kiện giao dịch, quyền và nghĩa vụ của khách hàng. Việc sử dụng vàng nhập khẩu phải đúng mục đích đăng ký; dữ liệu mua, bán phải được lưu trữ chính xác và kết nối với cơ quan nhà nước theo quy định.

Giao dịch mua, bán vàng từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng nhằm xác thực thông tin khách hàng. Quy định này không phát sinh thủ tục mới, đồng thời tăng tính minh bạch, công khai và khả năng truy xuất dữ liệu trong các giao dịch trên thị trường vàng.

Không tăng cung vàng miếng, lựa chọn ổn định trong bối cảnh biến động

Về nguồn cung vàng miếng, từ năm 2014 đến tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường do diễn biến thị trường không đòi hỏi sự điều tiết trực tiếp.

Giai đoạn 2014 - 2019, giá vàng miếng SJC chủ yếu có xu hướng giảm và biến động trong biên độ hẹp hơn so với vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng miếng SJC giảm 24% (từ 48 triệu đồng/lượng xuống 36,4 triệu đồng), trong khi giá vàng thế giới giảm 28% (từ gần 1.800 USD/ounce xuống 1.294 USD/ounce). Trước sự chênh lệch giá, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch, giúp thị trường nhanh chóng ổn định mà không cần can thiệp cung vàng.

Từ năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều bất ổn từ đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, lãi suất quốc tế tăng mạnh đến USD lên giá. Trong nước, các kênh đầu tư ảm đạm, mặt bằng lãi suất giảm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, tại một số thời điểm trong tháng 7, tháng 9/2022, tháng 6/2024 và tháng 4/2025, chênh lệch giá vàng SJC với thế giới nhiều thời điểm vượt 18 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống “đô la hóa” và củng cố niềm tin vào VND, Ngân hàng Nhà nước không bán vàng can thiệp, mà sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, góp phần giữ vững thị trường ngoại hối và nền tảng kinh tế.

ThS Trần Trọng Thiết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sau-hon-mot-thap-nien-trien-khai-nghi-dinh-24-den-luc-can-minh-bach-tai-san-vang-179268-179268.html