Sâu nặng nghĩa tình tri ân

Giữa tháng 7-2025, sáng sớm trời đã đổ mưa trắng bạc. Quốc lộ 14, khúc đường nhựa phía trước đầu xe loang loáng nước. Chúng tôi, những cựu chiến binh, thương binh từ các địa phương trong tỉnh Đồng Nai về thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Bảy (99 tuổi, ở thôn 7, xã Bom Bo).

Các cựu chiến binh trong tỉnh về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy tại thôn 7, xã Bom Bo. Ảnh: Duy Hiến

Các cựu chiến binh trong tỉnh về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy tại thôn 7, xã Bom Bo. Ảnh: Duy Hiến

Từ ngã ba chợ xã Bom Bo vào nhà mẹ Bảy gần 8 cây số đường, đoạn đổ nhựa, đoạn bê tông. Tài xế chiếc xe hơi 7 chỗ là một cựu chiến binh có tay lái kỳ cựu. Anh cẩn thận tránh né “ổ gà” trên đường vì trong xe hầu hết là cựu chiến binh lớn tuổi. Cùng về thăm Mẹ VNAH Trần Thị Bảy lần này có nhà báo Phạm Quang công tác ở Báo và phát thanh, truyền hình Đồng Nai. Từ trước tới nay, trong các chương trình thăm, tặng quà Mẹ VNAH và quy tập, cất bốc hài cốt, mộ liệt sĩ của các cựu chiến binh thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước (cũ) tổ chức, nhà báo Phạm Quang đều có mặt để làm phóng sự về các hoạt động nghĩa tình tri ân liệt sĩ. Tôi quen biết nhà báo Phạm Quang đã lâu, tính cách anh chất phác, hiền lành và có nhiều bài viết, phóng sự nội dung xúc động, nhân văn...

Cứ đến dịp 27-7 là lòng dân cả nước bùi ngùi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân vì độc lập, thống nhất đất nước. Bao nhiêu nghĩa tình tri ân nhang khói vẫn không đền đáp hết khi hàng vạn nấm mộ liệt sĩ chưa có tên.

9h30, đoàn chúng tôi mới có mặt tại nhà Mẹ VNAH Trần Thị Bảy. Các anh trong Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Bom Bo đã có mặt tại nhà mẹ Bảy từ sớm để tiếp đón đoàn. Cơn mưa vừa đi qua nên từng đợt gió còn vương hơi nước se lạnh, nhưng trong căn nhà Mẹ VNAH Trần Thị Bảy vẫn tràn đầy không khí ấm áp. Chúng tôi vây lấy mẹ hỏi thăm sức khỏe. Mẹ Bảy rưng rưng xúc động: “Các con đến, mẹ vui lắm. Mẹ thấy trong người khỏe hơn nhiều…”.

Gia đình Mẹ VNAH Trần Thị Bảy có 2 thế hệ Bà mẹ VNAH, mẹ Bảy và mẹ chồng của mẹ Bảy là Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai. Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã lấy đi người chồng (liệt sĩ Trần Văn Khái) và người con trai duy nhất của mẹ Bảy (liệt sĩ Trần Văn Của).

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im…, những ca từ trong bài ca Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên, như vẫn âm vang trong mỗi chúng tôi. Mọi người lính thời bình và cả trong chiến tranh sống sót không ai không rưng rưng nước mắt, thành kính nghiêng mình trước những mất mát, đau thương của bao bà mẹ VNAH đã hy sinh chồng, con - vì độc lập thống nhất đất nước.

Những đau thương, mất mát của mẹ Bảy, chúng con - những thế hệ hôm nay và mai sau vẫn đang hàng ngày, hàng giờ chung tay xoa dịu. Trung đoàn 719 (Binh đoàn 16) đã xây tặng mẹ Bảy căn nhà tình nghĩa, đồng thời chăm sóc sức khỏe và phụng dưỡng mẹ. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương thường xuyên quan tâm, chăm lo cho mẹ hàng ngày. Một đoàn hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã về xây tặng mẹ giếng khoan nước sạch để sử dụng...

Nói về hoạt động tri ân mẹ VNAH của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bom Bo Trần Văn Phú cho biết, riêng Hội Cựu chiến binh xã, dù bận nhiều công việc vẫn hàng năm tổ chức thăm mẹ, ít cũng phải một năm 2 lần. Đó là vào ngày
27-7, Ngày Thương binh - liệt sĩ và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, các chi hội, như: Chi hội Cựu chiến binh thôn 7, nơi gia đình mẹ cư trú đến thăm mẹ thường xuyên hơn, cả trong dịp lễ 30-4, Ngày Quốc khánh 2-9…

Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 7 Nguyễn Bá Toàn cho biết: “Không chờ tới ngày lễ, Tết, hễ có thời gian là chúng tôi ghé thăm mẹ, hỏi han sức khỏe của mẹ xem ăn uống thế nào. Nhất là vào mùa mưa gió, thời tiết bất thường, sợ mẹ đêm hôm không được khỏe. Tôi, anh Trần Văn Phú và anh Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, còn thường thông tin với nhau về tình hình sức khỏe của mẹ Bảy mỗi ngày”.

Thật xúc động khi cựu chiến binh, thương binh Vũ Đình Luật, thay mặt đoàn tặng lẵng hoa và quà (tiền mặt do các cựu chiến binh đóng góp) cho Mẹ VNAH Trần Thị Bảy. Cựu chiến binh, thương binh Vũ Đình Luật bồi hồi nói: “Chúng con dù ở xa, mỗi người một nơi, một hoàn cảnh, có người ở phường Đồng Xoài, ở xã Đồng Phú cách vài chục cây số vẫn tranh thủ mọi thời gian để đến thăm mẹ. Đây là trách nhiệm của chúng con - những người lính Cụ Hồ thường xuyên quan tâm đến mẹ VNAH. Mẹ là niềm tin, là bất tử mãi mãi trong lòng
chúng con…”.

Mẹ Bảy cười ánh mắt nhân từ: “Hôm nay, các con về thăm mẹ, mẹ rất vui nhưng không phải ngày nào các con cũng đến thăm mẹ được. Vì các con còn phải đi đánh giặc…”.

Chúng tôi như vỡ òa qua câu nói của mẹ Bảy. Trong tâm thức mẹ Bảy cứ nghĩ những người lính Cụ Hồ là phải đi đánh giặc để giải phóng quê hương. Trên mảnh đất xã Phú Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) có biết bao người con ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, trong đó có chồng và người con trai duy nhất của mẹ Bảy. Cũng như bao bà mẹ VNAH, mẹ không khóc mà lặng lẽ nuốt nước mắt vào tim. Bởi mẹ hiểu sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là cao cả, là vinh quang trên hết.

“Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, mẹ thấm thía câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày chống Pháp, rồi chống Mỹ xâm lược. Có mẹ VNAH sinh 7 người con thì cả 7 người con lên đường chống Mỹ và lần lượt hy sinh. Cứ tới Tết Nguyên đán, Tết Độc lập là mẹ lại đặt trên cái mâm 7 chén cơm úp cùng 7 hột vịt luộc, dĩa muối tiêu và 7 đôi đũa… 7 nén nhang cháy lên từng dòng mây trắng như xoáy vào mắt, vào trái tim khô héo của mẹ.

Công tác tri ân liệt sĩ và sự quan tâm đặc biệt đối với bà mẹ VNAH là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Hiện nay, tổng số liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Phước (cũ) có 10.736. Trong đó số liệt sĩ có tên là 6.073 và liệt sĩ chưa biết tên là 4.666. Riêng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (phường Đồng Xoài) đã có 4.760 liệt sĩ (trong đó liệt sĩ có tên là 1.397, liệt sĩ chưa biết tên là 3.363) và Nghĩa trang liệt sĩ Bình Long có 2.304 liệt sĩ (có tên là 1.292 và 1.012 liệt sĩ chưa biết tên)…

Chúng tôi xếp hàng lần lượt thắp hương lên bàn thờ Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Văn Khái, liệt sĩ Trần Văn Của và Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai. Trở lại ngồi vào 2 dãy ghế, chúng tôi cùng mẹ Bảy hát bài Giải phóng miền Nam và bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng, tiếng của mẹ Bảy hòa cùng tiếng của các con âm vang trong căn nhà tình nghĩa. Mẹ VNAH Trần Thị Bảy hát rất rõ giọng rưng rưng, xúc động thấm vào miền đất kháng chiến xưa - xã Bom Bo
anh hùng!...

Duy Hiến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/sau-nang-nghia-tinh-tri-an-1d532c2/