Sau táo, mặt hàng nào được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam?

Khi Trung Quốc mở rộng diện tích vùng trồng, nho sữa ngay lập tức phủ sóng chợ Việt với giá bán rất bình dân.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, nước ta đã chi ra 725,6 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng năm 2023, nhập khẩu rau quả của Việt Nam lên tới 1,96 tỷ USD, trong đó táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237,1 triệu USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD (tương đương gần 3.900 tỷ đồng), chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây. Quýt và lê lần lượt có vị trí thứ 3 và 4, chiếm tỷ trọng 7,1% và 5%.

Đây đều là những loại trái cây có giá thành khá thấp. Đặc biệt là nho, không chỉ nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc,... mà nho Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với giá rất rẻ.

Nước ta có vùng trồng nho rất nổi tiếng ở tỉnh Ninh Thuận, nhưng sản lượng khá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, diện tích nho chỉ chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng nhưng giá trị sản xuất hàng năm của cây này đạt 19-20% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trung bình, mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường khoảng 28 nghìn tấn nho tươi.

Hàng năm, nho luôn nằm trong top đầu các loại quả được nhập khẩu về Việt Nam.

Hàng năm, nho luôn nằm trong top đầu các loại quả được nhập khẩu về Việt Nam.

Thời điểm này, chưa có con số thống kê cụ thể về kim ngạch nhập khẩu nho, song loại quả này luôn phủ sóng thị trường Việt. Tại siêu thị, cửa hàng trái cây, chợ truyền thống cho đến “chợ online” rao bán hàng chục loại nho được nhập khẩu từ Nhật Bản, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ…

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/7, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết giá thành 1 kg nho của Ấn Độ chỉ khoảng 1 USD, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển và lợi nhuận khi về Việt Nam sẽ bán khoảng 3 USD. Đây là mức giá cạnh tranh nên Ấn Độ rất muốn Việt Nam mở cửa thị trường cho quả nho của họ.

Cũng theo ông Bùi Trung Thướng, Ấn Độ mới chỉ mở cửa thị trường cho trái thanh long Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, thị trường này chưa mở thêm mặt hàng mới nào cho ngành hàng trái cây Việt Nam. Nguyên nhân là do Ấn Độ cũng mong muốn Việt Nam mở cửa cho một số loại trái cây của họ như nho, lựu.

"Việt Nam có thể xem xét để mở cửa thị trường cho loại trái cây này trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất muốn đưa nho vào Việt Nam", ông Thướng cho hay.

Ghi nhận trên thị trường hiện nay phổ biến nhất vẫn là nho nhập từ Trung Quốc. Theo đó, không chỉ 1-2 loại mà tại thị trường Việt có đến gần chục loại nho Trung Quốc đang rao bán như: nho sữa, nho sữa bắp đen, nho Ruby, nho đỏ, nho xanh… Đáng chú ý, so với mặt hàng nho nhập khẩu bán trên thị trường, các loại nho xuất xứ từ Trung Quốc thường có giá rất rẻ, thậm chí là siêu rẻ.

Chị Thu Hương bán trái cây chợ Đại Mỗ (Hà Nội) thừa nhận, các loại nho Trung Quốc năm nay bán tại chợ Việt đều có giá rất rẻ. Tại kho hàng của chị Hương có tới 4 loại nho được nhập về bán theo ngày. Trong đó, nho Ruby không hạt chỉ 99.000 đồng/thùng 4,5kg, tính ra khoảng 22.000 đồng/kg; nho xanh không hạt giá 20.000 đồng/kg; nho kẹo giá cũng chỉ 30.000 đồng/kg.

Chị Hương cho biết, các loại nho Trung Quốc khác đều giòn và siêu ngọt, giá cũng rẻ bèo nên khách hàng chuộng mua.Thế nên, trung bình một ngày chị thường bán hết 60-80 thùng nho sữa; nho xanh, nho Ruby và nho kẹo lượng bán cũng lên tới gần tạ hàng mỗi loại.

“Khách đa phần mua theo thùng, rất ít khách mua lẻ theo cân. Bởi, nho bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được khoảng nửa tháng không lo thối hỏng, giá lại rẻ nên khách mua nhiều về ăn dần”, chị Hương nói.

Vừa nhập về 200 thùng nho xanh, chị Hoài, chủ một cửa hàng trái cây ở Hà Nội cho biết chỉ trong vòng 2 ngày khách hàng đã đặt mua hết.

"Ngày 3/7 tôi nhập gần 50 thùng nho xanh bán giá 150.000 đồng/thùng 6kg, đến chiều chỉ còn khoảng 5 thùng tôi xả hàng bán 120.000 đồng/thùng”. Chị nói và nhẩm tính, 1kg nho xanh không hạt giá chỉ 22.000-25.000 đồng/kg.

Với nho sữa, chị đang bán 200.000 đồng/thùng 3 chùm trọng lượng 2,8-3,5kg ruột (khoảng 62.000-70.000 đồng/kg). Theo chị Hoài, đây là loại trái cây Trung Quốc bán đắt hàng nhất thời điểm hiện tại. “Có những chuyến tôi về gần 200 thùng nho sữa nhưng chỉ bán gần 2 ngày đã hết sạch hàng. Bởi, so với cùng loại của Nhật Bản và Hàn Quốc, nho sữa Trung Quốc giá rẻ như cho”, chị nói.

Một chuyên gia ngành hàng trái cây nhận xét, trong thương mại, nhập khẩu nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của thị trường. Các loại trái cây Việt Nam nhập về hiện nay chủ yếu là những mặt hàng mà chúng ta không sản xuất được, hoặc không phải thế mạnh.

Đơn cử, các loại táo, lựu Việt Nam chưa thể trồng được; hay như nho, lê có vùng trồng nhưng sản lượng còn khiêm tốn nên phải nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, các loại trái cây đứng đầu bảng nhập khẩu phần lớn đều nằm trong phân khúc giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc với sản lượng lớn nên nhập về rất nhanh. Đây cũng là lý do hàng năm, táo, nho, quýt và lê luôn được nhập về Việt Nam với khối lượng lớn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/sau-tao-mat-hang-nao-duoc-nhap-khau-nhieu-nhat-ve-viet-nam-1100800.html