Sẽ có Lâm Đồng 'ngàn hoa', Lâm Đồng 'biển xanh' và Lâm đồng 'đại ngàn'
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, Lâm Đồng có dư địa rất lớn để phát triển về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó Đà Lạt gọi là 'Lâm Đồng ngàn hoa', Bình Thuận gọi là 'Lâm Đồng biển xanh', Đắk Nông gọi là 'Lâm Đồng đại ngàn'.
Sau sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, hình thành tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch từ rừng- biển- đảo. Tất cả những thế mạnh to lớn này cần phải có sự kết hợp cân bằng, hài hòa và đồng bộ thì ngành du lịch của địa phương mới phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình hoạt động, triển khai nhiệm vụ sau sáp nhập diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rất sôi động, phong phú về hình thức, nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo, đưa vào khai thác phục vụ du lịch, tạo nguồn thu và việc làm cho người dân địa phương, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông từng bước được quan tâm, đầu tư, khai thác.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch được tăng cường. Tập trung đầu tư, khai thác và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao sức hút điểm đến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Buổi họp cũng dành nhiều thời gian bàn thảo các vấn đề liên quan đến văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.
Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch chủ lực và tiềm năng như: du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp (canh nông), rừng - biển - đồi cát; du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch MICE; du lịch khám phá đảo (đặc biệt tuyến ra đảo Phú Quý); du lịch chăm sóc sức khỏe...

Sản phẩm du lịch về đêm show diễn "Sử thi Âu Lạc" vừa được đưa vào khai thác tại Delight Park Dalat.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm của tỉnh như Đà Lạt - Phan Thiết - Gia Nghĩa còn chưa đồng bộ, thiếu các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đạt chuẩn, đặc biệt là các tuyến liên kết vùng trục ngang - trục dọc.

Đông đảo du khách tham quan tại khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu Đà Lạt.
Điều này gây khó khăn trong việc kết nối, tổ chức tour tuyến liên vùng, cũng như hạn chế khả năng hình thành các sản phẩm du lịch liên hoàn, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách trong nội tỉnh.
Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng của ngành tuy phát triển nhưng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3 - 5 sao) còn chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ khách quốc tế trong tổng lượng khách đăng ký qua lưu trú còn thấp.

Đà Lạt - thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Đồng thời, các công trình trọng điểm về du lịch triển khai còn chậm so với yêu cầu. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu đầu tư, phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn, cao cấp.
Trên cơ sở đó, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt - Phan Thiết - Gia Nghĩa.

Các khu, điểm du lịch tại Lâm Đồng thay đổi cách trang trí theo mùa để phù hợp với du khách.
Kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch theo hướng chuyển nhiệm vụ “Kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch” về cho UBND cấp xã, cho phù hợp với Điều 14, Luật số 72/2025/QH15 Tổ chức chính quyền địa phương...

Du khách nước ngoài hào hứng với các trò chơi giải trí hiện đại tại Đà Lạt.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Mười- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, Lâm Đồng có dư địa rất lớn để phát triển về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó Đà Lạt gọi là ‘Lâm Đồng ngàn hoa’, Bình Thuận gọi là ‘Lâm Đồng biển xanh’, Đắk Nông gọi là ‘Lâm Đồng đại ngàn’.
Tất cả những thế mạnh, tiềm năng to lớn này cần phải có sự kết hợp cân bằng, hài hòa và đồng bộ thì ngành du lịch của địa phương mới phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười mong muốn mỗi người dân cần trở thành một đại sứ du lịch góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu trước hết cần sắp xếp tổ chức bộ máy một cách bài bản, nâng cao trình độ quản trị, ưu tiên mạnh mẽ cho chuyển đổi số bởi số hóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Cùng với đó là bảo đảm an ninh trật tự, hệ thống giao thông thuận lợi, chăm lo sức khỏe và an toàn cho du khách.
"Chúng ta cũng cần hướng tới xây dựng Đà Lạt không khói thuốc, không có tiếng còi xe. Hãy phủ hoa cho toàn khu vực, bởi đã mang tên “xứ sở hoa”, “Lâm Đồng ngàn hoa” thì phải xứng đáng với tên gọi ấy. Mỗi người dân cần trở thành một đại sứ du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách", ông Mười nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2025, tổng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 12.163.100 lượt, đạt 54,21% kế hoạch, tăng 20,26% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 798.310 lượt, đạt 62,01% kế hoạch, tăng 56,09% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 11.364.800 lượt, đạt 53,73% kế hoạch; tăng 18,35% so với cùng kỳ.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2025, đón và phục vụ khoảng 22.438.800 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 1.284.440 lượt, khách nội địa: 21.151.360 lượt. Khách qua lưu trú: 19.950.000 lượt.