Sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về giải pháp ứng phó thiên tai trong thời gian tới, chiều 6-11, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh phương án xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đợt mưa lũ kéo dài cùng với cơn bão số 9 - cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây - vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người nhân và của nhà nước.

Bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới

Theo Phó thủ tướng, hiện nay tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó châu Á là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhật Bản, một đất nước phát triển nhưng số vụ mưa lũ, gây sạt lở đất hằng năm trong giai đoạn vừa qua là khoảng 150 nghìn lượt/năm, tăng 1,5 lần so với giai đoạn trước (giai đoạn 2001-2010). Mưa lũ, sạt lở đất, đá đã gây thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines,... Ở nước ta, mưa lũ, sạt lở đất ở nhiều nơi...

Nói về những nguyên nhân chủ quan của sạt lở đất, Phó thủ tướng phân tích trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế rừng thì rừng Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp, do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá để phát triển kinh tế. Rừng mới, chất lượng không cao. Tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấy gỗ, xây nhà,... Việc trồng rừng thay thế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ.

Cùng với đó, các hoạt động đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở, cản trở thoát lũ làm cho lũ dâng cao.

Việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát… tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

 Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm rõ thêm về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai. Ảnh: VPQH

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm rõ thêm về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai. Ảnh: VPQH

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho rằng, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du. Các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an ninh nguồn nước nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ; đặc biệt là các hồ lớn, các hồ thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Kẻ Gỗ, Sông Tranh... Các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, trừ trường hợp lũ lớn phải xả lũ và thường xả tối đa bằng với lưu lượng lũ về hồ; điều tiết nước cho mùa cạn và tạo nguồn điện rất lớn...

"Nguồn thủy điện là nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, vận hành thuận lợi và là nguồn nội lực tài nguyên của đất nước. Khác với các nguồn điện than, khí hóa lỏng, ta phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp nước ngoài", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, để xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng; việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Đồng thời, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tuy huy động được các lực lượng Trung ương, địa phương, quân đội, công an với phương châm “4 tại chỗ” nhưng chưa có lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp. Nhất là ở cơ sở, lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu các phương tiện chuyên dùng, do đó rất khó, chậm tiếp cận đến điểm xảy ra sạt lở, thiên tai, từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tìm kiếm cứu nạn.

Kinh nghiệm tại Trà Leng cho thấy lực lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng

Trong thời gian tới, Phó thủ tướng nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó. Cùng với đó là tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn bảo đảm đa mục tiêu, gắn với phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh phương án xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỉ lệ thích hợp. Vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỉ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét. Đây là kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ….

“Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ. Yêu cầu phải bảo đảm đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh “kinh nghiệm tại Trà Leng cho thấy lực lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng”, Phó thủ tướng nêu rõ cần nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp từ Trung ương đến cơ sở; đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn....

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/se-xay-dung-he-thong-canh-bao-som-de-kip-thoi-so-tan-khan-cap-truoc-khi-co-sat-lo-dat-lu-quet-643146