Sếp sốc khi nhân viên đột ngột biến mất, cắt liên lạc

Cụm từ 'ghosting' ban đầu được nhắc tới trong hẹn hò, chỉ việc cắt đứt liên lạc, không lời giải thích. Hành vi này giờ còn phổ biến ở công sở, khi ứng viên và công ty chọn im lặng.

Khi Laura được mời phỏng vấn vòng cuối cho một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại London (Anh), cô đã nghĩ mình sắp có một công việc đáng mơ ước, theo BBC News.

Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, Laura đã gặp mặt trực tiếp các thành viên trong nhóm và nhận được thông báo chuẩn bị nhận việc. Bước cuối cùng chỉ mang tính thủ tục là gặp giám đốc điều hành cấp cao.

 Ghosting là hành động tự nhiên im lặng, không đưa ra lời giải thích rồi biến mất. Ảnh: BI.

Ghosting là hành động tự nhiên im lặng, không đưa ra lời giải thích rồi biến mất. Ảnh: BI.

Nhưng sau đó, phía công ty tuyển dụng đột ngột biến mất. Mặc dù nhận được thông báo trúng tuyển, email xác nhận vị trí công việc chưa từng gửi tới Laura.

Laura đã bị ghosting - hành động một bên đột ngột cắt đứt liên lạc với bên còn lại. Thay vì gửi email từ chối chính thức hoặc đưa ra lời giải thích cho chuyện xảy ra, nhà tuyển dụng chọn phớt lờ ứng viên.

"Không thích thì bỏ qua" như hẹn hò trên mạng

Người phụ nữ không biết làm gì hơn ngoài gửi thư tới bộ phận nhân sự của công ty nhưng chỉ nhận về các câu trả lời chung chung, không cam kết.

“Tin nhắn cuối cùng có nội dung rằng họ hứa sẽ liên lạc với tôi ngay khi có thông tin về vị trí mới của tôi. Sau đó, tôi không nghe được thông tin gì từ họ nữa”, cô kể.

Trên thực tế, thực trạng này ngày càng phổ biến trong quá trình tuyển dụng. Trong nghiên cứu gần đây của website tìm kiếm việc làm Indeed khảo sát trên 1.500 người lao động tại nhiều quốc gia, 75% người tìm việc từng bị phía nhà tuyển dụng “ngó lơ” sau khi phỏng vấn xin việc.

Và những người sử dụng lao động công khai thừa nhận điều họ đã làm, với chỉ 27% nhà tuyển dụng ở Mỹ cho biết họ không "ngó lơ" ứng viên nào trong năm ngoái.

 Trong 2 năm dịch bệnh, tình trạng ghosting giữa các bên tuyển người và xin việc càng diễn ra phổ biến. Ảnh: USA Today.

Trong 2 năm dịch bệnh, tình trạng ghosting giữa các bên tuyển người và xin việc càng diễn ra phổ biến. Ảnh: USA Today.

Ở chiều ngược lại, những người đi kiếm việc cũng tự dưng biến mất. Trong cùng khảo sát, 28% nhân viên nói rằng họ đã cố tình không hồi đáp lại phía công ty tuyển dụng trong năm 2021. Năm 2020, tỷ lệ là 19%.

Trước kia, phía người xin việc thường có xu hướng bị nhà tuyển dụng không trả lời hơn là chiều ngược lại. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện, các ứng viên đã bắt đầu lặp lại hành động này nhiều hơn.

Thị trường làm việc khó tuyển người đã giúp nhân viên có lợi thế hơn và bắt chước theo hành vi của các công ty.

Sự gia tăng của ghosting trong môi trường công sở bị coi là khó tránh khỏi. Trong thời gian dịch bệnh, các quy trình tuyển dụng diễn ra chủ yếu qua online. Phỏng vấn ảo đã cải thiện khả năng tiếp cận, tăng cơ hội cho nhà tuyển dụng và người lao động tìm được người phù hợp nhất.

Craig Freedberg, giám đốc khu vực tại công ty tuyển dụng Robert Half, có trụ sở tại London, cho biết: “Trước đại dịch, chỉ một phần nhỏ các cuộc phỏng vấn do chúng tôi môi giới được thực hiện qua mạng. Bây giờ, 99% các cuộc phỏng vấn vòng 1 diễn ra qua Zoom".

 Việc ghosting khiến cả hai bên đều mất thời gian và cảm thấy khó chịu. Ảnh: BBC.

Việc ghosting khiến cả hai bên đều mất thời gian và cảm thấy khó chịu. Ảnh: BBC.

Việc mất đi các cuộc phỏng vấn trực tiếp khiến hai bên khó tạo dựng mối quan hệ hơn vì mất đi sự kết nối giữa người với người.

"Thay vì mặt đối mặt, việc chỉ nhìn vào nhau và nói chuyện qua màn hình khiến cả hai phía dễ dàng bỏ qua nhau mà không thấy cần phải giải thích, liên lạc với bên còn lại", Freedberg nói.

Ở phía công ty, họ phải mở rộng mạng lưới ứng viên và phỏng vấn nhiều người hơn do hậu quả của cuộc khủng hoảng tuyển dụng. Việc trả lời tất cả mọi yêu cầu xin việc trở nên khó khăn.

“Còn ở phía người xin việc, vì cơ hội việc làm đang đầy rẫy, họ chỉ cần nộp CV qua đường link và nếu thấy không mặn mà hay hứng thú, họ sẽ không muốn trả lời”, Yuletta Pringle, thuộc Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, có trụ sở tại Virginia (Mỹ), đánh giá.

Tác hại cho cả hai bên

Ghosting đem lại những mặt trái cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên: nó để lại ấn tượng xấu và có khả năng kết thúc mối quan hệ ngay cả trước khi bắt đầu.

Một số công ty kiên quyết chống lại hành động này.

"Trong ngành của chúng tôi, điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ bền chặt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp phải tình trạng nhiều yêu cầu với các chuyên gia tư vấn không được trả lời. Điều đó bị coi là thiếu chuyên nghiệp, nhưng đó là hệ quả của thị trường hiện tại: lý do ghosting đơn giản là vì ai đó quá bận rộn để trả lời", Christoph Hardt, người sáng lập công ty tư vấn thị trường Comatch, có trụ sở tại Berlin, cho biết.

 Việc đột ngột biến mất có thể diễn ra ở mọi bước trong quá trình tuyển dụng. Ảnh: BI.

Việc đột ngột biến mất có thể diễn ra ở mọi bước trong quá trình tuyển dụng. Ảnh: BI.

Giống như tên gọi ban đầu, Freedberg tin rằng ghosting trong môi trường công sở bắt nguồn từ sự thiếu cam kết.

“Bản chất của ghosting là khi một trong hai bên không cảm thấy bị thu hút vào quá trình tìm hiểu hoặc không muốn đầu tư thời gian vào đó.

Giải pháp là phía tuyển dụng cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tiếp cận những người thực sự phù hợp với công việc. Và nếu ai đó dành thời gian trong ngày cho một cuộc phỏng vấn trực tiếp, họ xứng đáng nhận được phản hồi", Freedberg nói.

Ông tin rằng trách nhiệm giao tiếp vẫn thuộc về phía nhà tuyển dụng và chọn loại giao tiếp phù hợp có thể hạn chế viễn cảnh này ngay từ đầu.

“Nếu nhà tuyển dụng càng rõ ràng và cụ thể về các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, ngay từ khi bắt đầu quá trình, thì điều đó có thể giúp giảm bớt tình trạng ứng viên đột ngột biến mất".

Ngoài ra, việc giữ liên lạc với các ứng viên trong quá trình tuyển dụng cũng quan trọng. “Nếu có sự chậm trễ trong quá trình tuyển dụng ở một trong hai bên, thì việc trả lời email và cho họ biết tình hình luôn là phương án hay”, ông nói thêm.

Nhưng người đi xin việc cũng có trách nhiệm tương tự. Freedberg gợi ý rằng thay vì nộp đơn xin việc một cách ồ ạt, nhân viên hãy lựa chọn cẩn thận những vị trí phù hợp. Nếu không, họ có nguy cơ lãng phí thời gian của nhà tuyển dụng.

“Nếu ứng viên đồng ý gặp nhà tuyển dụng, sau đó cắt đứt liên lạc, hành động đó sẽ gây bất lợi cho chính họ về sau".

Tình trạng ghosting có thể xảy ra ở mọi khâu của quá trình tuyển người, từ sau lần phỏng vấn đầu tiên cho đến không xuất hiện ở công ty vào ngày đầu tiên đi làm.

Càng vào sâu vào quá trình tuyển dụng, thì việc đột nhiên "bốc hơi" càng khó chấp nhận. Ứng viên hoặc công ty càng đầu tư nhiều nỗ lực vào quá trình tuyển dụng, thì việc kết thúc liên hệ giữa chừng càng gây ấn tượng xấu, như trong câu chuyện của Laura.

Việc bị ghosting ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến cô suy nghĩ lại sự nghiệp của mình.

"Tôi thà được nghe bất cứ lý do nào thay vì không gì cả. Tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực cho vị trí công việc đó rồi bị phớt lờ tất cả", Laura nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sep-soc-khi-nhan-vien-dot-ngot-bien-mat-cat-lien-lac-post1305396.html