Siêu đập 170 tỷ USD ở Tây Tạng: Bước đi táo bạo của Trung Quốc trong cuộc đua năng lượng sạch
Trung Quốc khởi công siêu đập thủy điện làm dấy lên lo ngại từ các quốc gia láng giềng về an ninh nguồn nước và tác động địa chính trị trong khu vực.

Một đoạn sông Nhã Lỗ Tạng Bố ở Tây Tạng. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo Reuters, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chính thức tuyên bố khởi công dự án xây dựng đập thủy điện được cho là lớn nhất thế giới, nằm ở rìa phía đông của cao nguyên Tây Tạng, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 170 tỷ USD. Đây được xem là một trong những công trình tham vọng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo kể từ sau đập Tam Hiệp, thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng quốc tế về cả mặt kỹ thuật lẫn địa chính trị.
Dự án nhà máy thủy điện Mặc Thoát, hay còn gọi là Dự án thủy điện trên sông Nhã Lỗ Tạng Bố, bao gồm năm nhà máy thủy điện bậc thang với tổng sản lượng thiết kế đạt 300 tỷ kilowatt giờ mỗi năm, gấp 3 lần sản lượng của đập Tam Hiệp. Cụm đập được xây dựng tại hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố, nơi dòng sông đổ dốc tới 2.000 mét trong đoạn dài khoảng 50 km, tạo nên tiềm năng thủy điện đặc biệt lớn và hiếm thấy trên thế giới.
Ý tưởng về dự án này đã được hình thành từ đầu những năm 2000, khi sông Nhã Lỗ Tạng Bố được đưa vào danh sách các công trình dự trữ chiến lược dài hạn. Sau nhiều năm khảo sát thực địa, dự án được đưa vào Kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc và chính thức được phê duyệt vào tháng 12/2024.
Dự án được xem là một phần trong chiến lược mở rộng năng lượng tái tạo của Trung Quốc nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2060, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Tây Tạng. Bắc Kinh khẳng định dự án sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện tại khu vực Tây Tạng và phần còn lại của Trung Quốc mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn nước hạ lưu hay môi trường sinh thái. Dự kiến, công trình sẽ đi vào vận hành trong thập niên 2030.
Ông Lin Minwang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Phúc Đán, nhận định rằng công trình thủy điện này có thể thu hút thêm hàng trăm nghìn người tới sinh sống, đồng thời các dự án hạ tầng liên quan sẽ góp phần “nâng cao vị thế địa chính trị của khu vực”.
Động thái của Trung Quốc đã dấy lên lo ngại từ các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là Ấn Độ và Bangladesh, những nước phụ thuộc vào dòng chảy của sông Brahmaputra, tên gọi của sông Nhã Lỗ Tạng Bố khi chảy vào lãnh thổ Ấn Độ và sông Jamuna khi đi qua Bangladesh. Giới chức New Delhi tỏ ra quan ngại trước khả năng Bắc Kinh sử dụng công trình này như một công cụ kiểm soát nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh hai nước vẫn tồn tại căng thẳng kéo dài dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Truyền thông Ấn Độ trích lời các chuyên gia cảnh báo, việc điều tiết lưu lượng từ thượng nguồn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và an ninh nguồn nước của hàng triệu người dân tại bang Assam và Arunachal Pradesh. Một số phân tích còn cho rằng siêu đập này có thể làm giảm đến 60-80% lượng nước chảy về Ấn Độ trong mùa khô, đồng thời gây xáo trộn hệ sinh thái và phù sa của toàn bộ lưu vực hạ nguồn.
Mặc dù không phản đối việc xây dựng đập, chính phủ Bangladesh khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại ngoại giao nhằm bảo vệ quyền lợi về tài nguyên nước, đồng thời sẵn sàng lên tiếng nếu xuất hiện bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng chảy hoặc an ninh nguồn nước quốc gia. Cố vấn Ngoại giao Bangladesh, ông Touhid Hossain, cho biết Dhaka chủ trương đánh giá kỹ lưỡng các tác động tiềm ẩn, và nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thủy văn để các chuyên gia có thể phân tích một cách khách quan.
Trước những quan ngại từ các quốc gia hạ lưu, Trung Quốc khẳng định dự án đã trải qua quá trình thẩm định khoa học nghiêm ngặt và sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, ổn định địa chất hay quyền sử dụng nguồn nước của các nước ở hạ lưu. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng nước này không có ý định theo đuổi lợi ích riêng nếu điều đó làm phương hại đến quyền lợi chính đáng của các quốc gia láng giềng, đồng thời khẳng định dự án còn có thể góp phần vào công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cũng như hỗ trợ các khu vực hạ lưu thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.