Sinh viên tốt nghiệp với nỗi lo việc làm: Hành trình vững bước vào thị trường lao động
Không đợi đến năm cuối mới bắt đầu lo lắng về tương lai, nhiều sinh viên đã sớm xác định con đường nghề nghiệp và chủ động chuẩn bị hành trang từ những ngày đầu đại học. Câu chuyện của Nguyễn Thị Phương Anh, Lê Tiến Hùng và Dương Thị Phương làm rõ nét cho một thế hệ sinh viên mới năng động, cầu thị và biết tận dụng mọi nguồn lực để phát triển bản thân.
Từ giảng đường đến doanh nghiệp: Không còn khoảng cách
“Ngay từ đầu, mình luôn xác định việc chuẩn bị sớm cho nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng”, Nguyễn Thị Phương Anh (ngành Truyền thông) chia sẻ. Thay vì chỉ tập trung vào việc học trên lớp, Phương Anh tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa, các dự án chuyên môn và tận dụng mọi cơ hội để thực tập tại các đơn vị uy tín như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Tại đây, cô được trực tiếp tham gia vào các chiến dịch truyền thông nội bộ, quản trị nội dung mạng xã hội và học hỏi cách vận hành trong môi trường doanh nghiệp thực tế.

Nguyễn Thị Phương Anh luôn lựa chọn những cơ hội học tập, làm việc trước khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, Phương Anh còn tự học các công cụ hỗ trợ nghề nghiệp như thiết kế đồ họa, dựng video, sử dụng phần mềm Canva, Photoshop hay AI – những kỹ năng đang ngày càng trở nên thiết yếu trong lĩnh vực truyền thông số.
Các môn học chuyên ngành giúp mình hiểu được tư duy hệ thống để triển khai một chiến dịch truyền thông, còn trải nghiệm thực tiễn lại cho mình kỹ năng xử lý tình huống, làm việc nhóm và thích nghi nhanh chóng”, Phương Anh chia sẻ.
Học để ứng dụng hiểu để định hướng
Không hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Lê Tiến Hùng (ngành Kinh tế) lại chọn cho mình con đường nghiên cứu và phân tích kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, từ chiến tranh thương mại đến khủng hoảng chính trị, Hùng cho rằng việc trang bị kiến thức nền vững chắc là yếu tố sống còn.

Lê Tiến Hùng – sinh viên ngành Kinh tế.
Mình tập trung nghiên cứu các vấn đề xã hội qua lăng kính kinh tế học như giáo dục, lao động, tội phạm… Ngoài ra, mình cũng học cách theo dõi chu kỳ kinh tế để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý”, Hùng nói.
Không chỉ đoạt giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp khoa và Giải Nhì cấp trường, Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động sinh viên, hội thảo, chào tân sinh viên… như một cách để xây dựng mạng lưới quan hệ và học hỏi từ các thế hệ đi trước. Nhờ đó, cậu đã có cơ hội thực tập và hiện đang làm việc tại một ngân hàng thương mại, nơi những kiến thức như kinh tế tiền tệ, kế toán và kỹ năng giao tiếp, phân tích thông tin được vận dụng mỗi ngày.
“Nếu được quay lại năm thứ nhất, mình sẽ học thêm các kỹ năng công nghệ như SQL, Python, C++, và đầu tư nhiều hơn cho ngoại ngữ cũng như các chứng chỉ nghề nghiệp để tăng lợi thế cạnh tranh”, Lê Tiến Hùng chia sẻ.
Trường học là bệ phóng, không chỉ là nơi dạy chữ
Đối với Dương Thị Phương (trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), hành trình nghề nghiệp bắt đầu từ việc nâng cao năng lực đa chiều: Từ tin học văn phòng đến kỹ năng media, từ tiếng Anh đến tiếng Trung.

Dương Thị Phương – sinh viên trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội).
Tận dụng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà trường thông qua các hội thảo nghề nghiệp, chương trình thực tập và mạng lưới cựu sinh viên, Phương đã từng thực tập tại nhiều vị trí khác nhau, từ Ban Truyền thông tại VNPost, Marketing cho sàn thương mại điện tử cho đến Ban Phát triển thương hiệu.
Mỗi vị trí đều cho mình một góc nhìn mới về thị trường lao động. Việc được làm thật, chịu trách nhiệm thật ngay từ khi còn là sinh viên đã giúp mình trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều”, Dương Thị Phương chia sẻ.
Cô cũng không ngần ngại thử sức với các cuộc thi mang tính ứng dụng như UEB Business Challenges, nơi cô lọt vào Top 36 với ý tưởng khởi nghiệp. “Nếu được làm lại, mình sẽ bắt đầu sớm hơn nữa, đặc biệt trong việc mở rộng mạng lưới kết nối và học hỏi từ những người đi trước”.
Chủ động – Chìa khóa của sự trưởng thành
Từ ba câu chuyện trên, có thể thấy, điểm chung lớn nhất là tinh thần chủ động học hỏi và sẵn sàng trải nghiệm. Dù mỗi người theo đuổi một lĩnh vực khác nhau truyền thông, ngân hàng, hay nghiên cứu kinh tế nhưng tất cả đều coi trọng việc kết nối giữa kiến thức và thực tế nghề nghiệp. Họ không chỉ học để thi, mà học để làm.
Chính sự kết hợp giữa chương trình học ngày càng thực tiễn, sự hỗ trợ từ nhà trường và nỗ lực không ngừng của bản thân đã giúp nhiều sinh viên bước vào thị trường lao động với tâm thế sẵn sàng, tự tin thay vì bị động và lo lắng.
Khi được hỏi có hối tiếc gì không, Phương Anh chia sẻ thêm: “Có lẽ chỉ tiếc là đã không bắt đầu sớm hơn. Nhưng mình tin mỗi bước đi đều đáng quý và mình đang đi đúng hướng”.