Số ca tử vong do COVID-19 tại Úc gần chạm mốc 10.000 ca

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Perth, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, số ca tử vong do COVID-19 tại Úc đang tiệm cận với con số kỷ lục 10.000 người và có khả năng sẽ vượt qua mốc này trong vòng vài ngày tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, thống kê y tế của Úc cho biết trong vòng 24 giờ qua, hai địa phương lớn nhất trên cả nước là bang New South Wales (NSW) và Victoria ghi nhận thêm 40 ca tử vong do COVID-19.

Bang NSW có 11.504 ca mắc mới, với 1.534 người phải nhập viện và 23 người tử vong. Tại bang Victoria, có 9.926 ca mắc mới, với 465 người nhập viện và 17 người tử vong. Tính đến ngày 29/6, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương là 9.837 ca và vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh.

Mặc dù là một trong số ít các quốc gia đạt mức độ phủ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, nhưng số ca mắc tại Úc vẫn rất cao, thường xuyên vượt ngưỡng 10.000 ca mới/ngày trong thời gian gần đây.

Các chuyên gia y tế đánh giá diễn biến dịch bệnh tại Úc vẫn phức tạp, đặc biệt là khi nước này đang ở giữa mùa đông, thời điểm thường xuất hiện dịch cúm mùa nghiêm trọng. Việc phải đối phó đồng thời với hai loại dịch bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của người dân.

Các quan chức y tế đã nhiều lần vận động người dân Úc nên tiêm đủ ít nhất 3 liều vắc xin ngừa COVID-19 và tiêm bổ sung vắc xin ngừa cúm, nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh việc cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 miễn phí, một số địa phương của Úc hiện cung cấp cả vắc xin ngừa cúm miễn phí cho cư dân.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, một số chuyên gia y tế đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Úc cần xem xét tái ban hành các biện pháp phòng chống dịch, như giảm quy mô tụ tập đông người, đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bắt buộc đối với một số nhân viên làm công việc có tiếp xúc nhiều người…

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Úc và các cấp chính quyền địa phương sẽ tái ban hành trở lại các hạn chế nói trên. Úc đã chính thức mở cửa hoàn toàn biên giới quốc gia từ tháng 2/2022.

Các hạn chế dịch bệnh tại nước này cũng gần như đã được gỡ bỏ hoàn toàn. Người nhập cảnh vào đây cũng không còn phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi bay hay cách ly sau khi nhập cảnh. Mới đây nhất, hãng hàng không Qantas của Úc cũng đã gỡ bỏ yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trên các chuyến bay do hãng này khai thác.

Tại Mỹ, theo phóng viên TTXVN tại New York, kho dự trữ thuốc kháng thể COVID-19 của Mỹ, loại thuốc duy nhất điều trị hiệu quả với người bệnh nhiễm chủng mới Omicron - sắp hết vào tháng 8 tới. Thế nhưng, nguồn kinh phí liên bang dành cho ứng phó với đại dịch của quốc gia giàu có nhất thế giới cũng sắp cạn kiệt.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang kêu gọi Quốc hội sớm thông qua việc chi thêm ngân sách cho các chương trình ứng phó với COVID-19 bởi thuốc kháng thể Bebtelovimab của hãng Lilly & Co, vốn được ví như vũ khí hiệu quả giúp người mắc COVID-19, nhất là chủng mới Omicron, không trở bệnh nặng phải nhập viện hoặc đe dọa mạng sống - sắp hết.

Nếu chính quyền liên bang không có kinh phí để tiếp tục mua dự trữ thuốc kháng thể này, hãng Lilly & Co sẽ phải tìm kiếm đối tác để bán và rất có thể đây sẽ là phép thử để các loại thuốc liên quan COVID-19 được bán tự do trên thị trường thương mại.

Tới thời điểm hiện nay, chính quyền liên bang Mỹ vẫn là khách hàng duy nhất được mua và phân phối các loại thuốc liên quan COVID-19 nhằm đảm bảo người dân Mỹ được tiếp cận với các loại thuốc và chế phẩm COVID-19 một cách công bằng và không phải trả tiền. Thế nhưng nỗ lực này của chính quyền của ông Biden hiện đang bị cản trở bởi phe Cộng hòa trong Quốc hội cho rằng đã đến lúc chính quyền liên bang nên tiến tới bỏ trách nhiệm đứng ra mua các loại thuốc liên quan tới đại dịch.

Theo số liệu của Bộ Y tế Mỹ, hiện mỗi tuần chính quyền liên bang cung cấp khoảng 30.000 liều thuốc kháng thể Bebtelovimab cho các nơi cần. Nếu Bebtelovimab trở thành sản phẩm thương mại được mua bán bình thường trên thị trường thì sẽ tạo ra không ít khó khăn cho người bệnh được tiếp cập bởi khi đó, các hãng bảo hiểm có quyền quyết định có chi trả chi phí loại thuốc này không, và mức chi trả bao nhiêu. Như vậy, nếu thuốc đắt đỏ thì không phải người dân nào cũng có thể mua được.

Chính phủ Mỹ đang đề xuất Quốc hội thông qua gói mới khoảng 22,5 tỉ USD cho ngân sách ứng phó COVID-19, thấp hơn con số 30 tỉ USD đề xuất ban đầu, trong đó có 10 tỉ USD cần có ngay để mua vắc xin cho đợt tiêm chủng nhắc lại vào mùa Thu tới cũng như dự trữ thuốc kháng thể Bebtelovimab.

Hiện chưa thể biết Quốc hội Mỹ có chấp thuận thông qua gói ngân sách nêu trên hay không nhưng nếu chính phủ Mỹ “buông” việc kiểm soát loại thuốc quý này thì các nước giàu khác có thể mua được từ công ty trong khi nhiều người Mỹ nghèo sẽ không có để dùng khi nhiễm các chủng mới của COVID-19.

Cùng ngày 29/6, hãng dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ và công ty dược phẩm đối tác BioNTech SE của Đức đã công bố hợp đồng cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 trị giá 3,2 tỉ USD cho Chính phủ Mỹ. Hai hãng dược phẩm này sẽ chuyển giao 105 triệu liều vắc xin loại này cho Mỹ muộn nhất là cuối Hè năm nay.

Theo hợp đồng, Pfizer/BioNTech SE sẽ chuyển cả vắc xin cải tiến đặc ngừa biến thể Omicron cho Mỹ dù loại vắc xin do hai hãng phát triển này vẫn đang trong quá trình đánh giá để cơ quan chức năng Mỹ cấp phép lưu hành. Giá trung bình 1 liều vắc xin này là hơn 30 USD, tăng hơn 50% so với giá 19,50 USD/liều vắc xin ngừa COVID-19 mà Chính phủ Mỹ trả cho hãng theo hợp đồng ban đầu.

Omicron đã trở thành biến thể gây lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ từ mùa đông năm ngoái và Pfizer/BioNTech cũng là liên doanh đi đầu trong việc sản xuất loại vắc xin đặc ngừa Omicron.

Trước đó, cùng ngày, các cố vấn của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến nghị cần cải tiến thành phần trong các liều vắc xin tăng cường vào mùa thu năm nay để chống lại các biến thể phụ (BA.5) của Omicron đang lây lan nhanh và có nguy cơ trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ.

Hợp đồng mới này sẽ thúc đẩy doanh số bán vắc xin năm 2022 của Pfizer/BioNTech. Dự báo doanh số bán vắc xin ngừa COVID-19 của hãng trong năm nay đạt 32 tỉ USD.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã phân phối trong nước gần 450 triệu liệu vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech kể từ khi vắc xin này được cấp phép lưu hành vào tháng 12/2020, trong đó hơn 350 triệu liều đã được tiêm chủng cho người dân.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/280274/so-ca-tu-vong-do-covid-19-tai-uc-gan-cham-moc-10-000-ca.html