SỢ TRÁCH NHIỆM

Sau vụ cây phượng vĩ đổ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh), hiệu trưởng một số trường đã quyết định đốn bỏ nhiều cây lớn, nhất là phượng vĩ, khiến sân trường học những ngày hè càng trở nên nóng bức, ngột ngạt vì thiếu bóng cây.

Ai cũng biết cây xanh là một phần thiết yếu trong tổng thể cảnh quan của trường học. Cây không chỉ tạo bóng mát, lọc không khí, đem lại cảm giác thoải mái cho con người... mà cây xanh ở mỗi ngôi trường còn gắn bó với bao thế hệ học sinh, lưu giữ biết bao kỷ niệm.

 Nhiều người tiếc nuối khi những cây phượng bị chặt bỏ... Ảnh: VOV.VN

Nhiều người tiếc nuối khi những cây phượng bị chặt bỏ... Ảnh: VOV.VN

Tai nạn đáng tiếc tại Trường THCS Bạch Đằng chỉ là sự cố hy hữu. Thay vì tìm giải pháp bảo vệ cây cối, chằng chống để bảo đảm an toàn mùa mưa bão, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đã chọn biện pháp chặt bỏ cây, kể cả những cây khỏe mạnh với lý do sợ mất an toàn. Rõ ràng, bản chất ở đây chính là sợ trách nhiệm, sợ bị liên đới, phiền phức khi xảy ra sự cố. Căn bệnh sợ trách nhiệm thái quá đã lan cả vào trường học-nơi học sinh thường xuyên được giáo dục rằng phải phấn đấu trở thành công dân sống có trách nhiệm, phải biết giữ gìn cảnh quan môi trường, việc chặt phá cây xanh là hủy hoại môi trường sống.

Không ít phụ huynh đã bày tỏ bức xúc: Những người vội vàng chỉ đạo chặt hạ cây xanh ở các trường học đích thị là vì sợ trách nhiệm; suy nghĩ cực đoan, thiển cận và hành xử thô bạo với môi trường, với các em học sinh. Lý do chặt bỏ hết cây to để bảo đảm an toàn cho học sinh chỉ là ngụy biện.

Qua việc vội vàng chặt cây cho thấy thực trạng nhận thức, hành xử không ngang tầm của không ít cán bộ. Thói sợ trách nhiệm thì thời nào cũng có, và càng gần dịp đại hội đảng bộ ở các địa phương thì càng xuất hiện nhiều. Tâm lý "phòng thủ từ xa" để trách nhiệm khỏi chạm tới mình đã ăn sâu. Bởi thế, đầu năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã bày tỏ lo ngại trước hiện tượng tâm lý sợ trách nhiệm ở các cơ quan nhà nước trước đại hội. Tâm lý e ngại, né tránh mọi trách nhiệm có biểu hiện ngày càng rõ rệt. Hiện tượng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm không còn xa lạ ở nhiều cơ quan, đơn vị công quyền. Thực tế này phản ánh năng lực và đạo đức công vụ cùng sự vô cảm của một bộ phận cán bộ đã ở mức báo động.

Vấn nạn cán bộ sợ trách nhiệm, trì trệ trong thực thi công vụ gây tác hại cho xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Thật khó chấp nhận trong bộ máy những cán bộ sợ trách nhiệm, ngại nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp tích cực để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, dẫn đến triệt tiêu sự phát triển. Nếu cán bộ, đảng viên chỉ biết thủ thân để yên tâm thăng tiến, có nghĩa là cán bộ, đảng viên đó đã đánh mất đi tính chiến đấu, mất đi tính tự phê bình. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng "sợ trách nhiệm" cần có ngay các giải pháp cụ thể để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/so-trach-nhiem-622500