Sở Y tế TP.HCM: Siết kiểm tra, củng cố đường dây nóng chống 'vẽ bệnh, moi tiền'

Để chăm sóc sức khỏe cho hơn 14 triệu dân, Sở Y tế TP.HCM củng cố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các vi phạm về 'vẽ bệnh, moi tiền'.

Chỉ trong vài ngày, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận hai phòng khám có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền" người dân. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng thường xuyên phát hiện tình trạng này.

Liên tục phát hiện cơ sở có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền”

Mới đây, ngày 24-7, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Công an TP.HCM và cơ quan chức năng phường Cầu Ông Lãnh tiến hành kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Khang Thịnh, địa chỉ số 114 Trần Đình Xu (TP.HCM).

Trước đó, phòng khám này bị người dân phản ánh đến đường dây nóng của Sở Y tế về việc thực hiện phá thai nội khoa bằng thuốc, chỉ định cận lâm sàng, xét nghiệm với lý do "mơ hồ”.

 Phòng khám có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền” tại địa chỉ số 114 Trần Đình Xu, phường Cầu Ông Lãnh, TP.HCM. Ảnh: SYT

Phòng khám có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền” tại địa chỉ số 114 Trần Đình Xu, phường Cầu Ông Lãnh, TP.HCM. Ảnh: SYT

Qua xem hồ sơ bệnh án của khách hàng phản ánh, Đoàn kiểm tra ghi nhận bệnh nhân được chẩn đoán thai 4-5 tuần, chỉ định đình chỉ thai bằng thuốc. Đáng chú ý, bác sĩ điều trị ghi chép hồ sơ bệnh án không rõ ràng, phòng khám thu các loại phí dịch vụ nhưng trong hồ sơ bệnh án không thể hiện.

Mặt khác, qua truy xuất hình ảnh trong máy tính tại phòng khám do bác sĩ VTTD phụ trách (đồng thời là bác sĩ điều trị bị người bệnh phản ánh), Đoàn kiểm tra phát hiện hàng trăm hình ảnh chụp cổ tử cung bệnh lý, có mã số nhưng không có tên, tuổi bệnh nhân.

Giải trình với cơ quan chức năng, bác sĩ D lý giải nguyên nhân hình ảnh chụp cổ tử cung, chỉ có mã số, không có tên hoặc thông tin bệnh nhân "là do hệ thống của phòng khám như vậy”.

Bên cạnh đó, phòng khám này còn các vi phạm hành chính khác như tên biển hiệu không đúng như tên của phòng khám trong giấy phép do Sở Y tế cấp (Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Việt Khang).

Riêng bác sĩ VTTD – người từng bị Thanh tra Sở Y tế (cũ) xử phạt vi phạm hành chính vì lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục theo quy định, đã bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 2 tháng. Trước đó, bác sĩ này hành nghề tại một phòng khám khác.

Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP.HCM điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm phòng khám này theo quy định pháp luật, khi xác định các chứng cứ vi phạm.

 Phòng khám Đa khoa Việt Khang Thủ Đức thường xuyên bị phản ánh có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền".

Phòng khám Đa khoa Việt Khang Thủ Đức thường xuyên bị phản ánh có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền".

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng kiểm tra phòng khám thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Việt Khang Thủ Đức (địa chỉ 83C Đặng Văn Bi, phường Thủ Đức).

Tổng hợp các đơn thư phản ánh từ người dân, cơ quan chức năng xác định Phòng khám Đa khoa Việt Khang Thủ Đức thường bị phản ánh có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" với cùng một cách thức.

Cụ thể, phòng khám này ban đầu chào mời các gói khám với giá thấp. Tuy nhiên sau đó, nhân viên liên tục thông báo phát sinh thêm bệnh, yêu cầu thực hiện nhiều dịch vụ không cần thiết, khiến chi phí tăng vọt, có trường hợp lên đến hàng chục triệu đồng.

Củng cố các đường dây nóng

Mới đây, Sở Y tế TP vừa khẩn trương củng cố đường dây nóng và giới thiệu rộng rãi các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế.

Ông Nguyễn Hải Nam, quyền Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đường dây nóng chống “vẽ bệnh, moi tiền” của Sở Y tế TP.HCM 0989.401.155 là kênh tiếp nhận phản ánh chuyên biệt về các hành vi tiêu cực liên quan đến hành vi "vẽ bệnh, moi tiền", tư vấn không đúng chuyên môn nhằm trục lợi người bệnh, hoặc hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thời gian qua, đường dây nóng tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân trong lĩnh vực y tế gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có dấu hiệu “vẽ bệnh, “moi tiền” người bệnh; cơ sở thẩm mỹ không phép; quảng cáo khám, chữa bệnh sai sự thật; nhà thuốc nghi ngờ bán hàng không rõ nguồn gốc, thuốc hết hạn sử dụng, kinh doanh thuốc giả; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các tỉnh, thành khác.

 Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và xử phạt một phòng khám nha khoa theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Ảnh: SYT

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và xử phạt một phòng khám nha khoa theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Ảnh: SYT

Riêng về hành vi “vẽ bệnh, moi tiền”, người dân liên hệ đến đường dây nóng phản ánh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh báo giá tiền khoảng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện thủ thuật, các cơ sở này lại báo tình trạng bệnh nặng hơn chi phí điều trị đến hàng chục triệu đồng. Họ bắt buộc người bệnh phải đóng tiền để tiếp tục thực hiện thủ thuật, người bệnh không đủ khả năng đóng tiền nên bị giữ lại tại cơ sở.

“Trong quá trình tiếp nhận phản ánh qua đường dây nóng, Sở Y tế cũng ghi nhận một số cuộc gọi người phản ánh liên hệ đường dây nóng để phản ánh cơ sở khám, chữa bệnh “vẽ bệnh, moi tiền”. Tuy nhiên khi đã lấy lại tiền khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở thì người phản ánh liên hệ lại để rút nội dung phản ánh với lý do có sự hiểu nhầm với cơ sở khám, chữa bệnh” - ông Nam cho biết thêm.

Theo đó, Sở Y tế khuyến khích người dân sử dụng các kênh tiếp nhận phản ánh trong lĩnh vực y tế để kịp thời phản ánh, góp ý các vấn đề liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh và dịch vụ y tế trên địa bàn TP.

Mỗi ý kiến phản ánh với những thông tin đầy đủ và chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý kịp thời tiếp nhận, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế.

Sự tham gia của người dân trong quá trình phản ánh, phản hồi thông tin sau phản ánh không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, mà còn giúp xây dựng một hệ thống y tế công khai, minh bạch, lấy sức khỏe người dân làm trung tâm trong mọi hoạt động của ngành y tế.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ xây dựng giao diện trực quan tổng hợp, phân loại các phản ánh của người dân bằng cách kết nối các đầu số đường dây nóng và ứng dụng y tế trực tuyến kịp thời ghi nhận, phân tích, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát và giải quyết nhanh, kịp thời những phản ánh chính đáng của người dân.

6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế đã ban hành quyết định xử phạt 296 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 13,3 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các nội dung như: Hành nghề khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề…

Đường dây nóng của Sở Y tế TP.HCM là 096.777.1010.

Người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng của Sở Y tế TP.HCM theo số 096.777.1010. Đây là kênh tiếp nhận trực tiếp các ý kiến liên quan đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; thái độ phục vụ của nhân viên y tế; cũng như các bất cập phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến của Sở Y tế TP.HCM là 1900.638.563. Đây là số điện thoại đầu mối hỗ trợ người dân trong việc tra cứu, hướng dẫn và giải đáp các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế như cấp giấy phép hành nghề, đăng ký cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến...

Cổng thông tin 1022 của TP.HCM là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tổng hợp của người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn TP.

Người dân có thể gửi thông tin phản ánh liên quan đến lĩnh vực y tế thông qua trang web https://cong1022.tphcm.gov.vn hoặc sử dụng ứng dụng di động "1022 TP.HCM" để được tiếp nhận và xử lý theo đúng quy trình.

Ngoài ra, ứng dụng "Y tế trực tuyến" đang được Sở Y tế nâng cấp để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp khi không còn phòng y tế tại các quận, huyện (cũ) để phối hợp xử lý khi tiếp nhận phản ánh của người dân.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-y-te-tphcm-siet-kiem-tra-cung-co-duong-day-nong-chong-ve-benh-moi-tien-post862455.html