Sóc Trăng quyết liệt ứng phó các loại hình thiên tai

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng dông lốc, sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông nông thôn… đã tác động mạnh đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024. Nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng xảy ra gay gắt hơn, số ngày nắng nóng nhiều hơn so với năm 2022. Để ứng phó các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh và ứng phó hiện tượng El Nino, Sóc Trăng đã và đang quyết liệt triển khai các phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng làm thiệt hại 31 căn nhà tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung và thị xã Ngã Năm. Diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiên tai 10ha (huyện Mỹ Tú). Sạt lở bờ bao, đường đal, đê biển 81 đoạn, chiều dài hơn 3.200m, ước thiệt hại hơn 14 tỷ đồng.

Kế Sách là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất do tác động thiên tai. Đồng chí Nguyễn Thanh Trong - Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 53 đoạn sạt lở bờ bao, đường đal, chiều dài hơn 1.235m tại các xã: Nhơn Mỹ, An Mỹ, An Lạc Tây, thị trấn An Lạc Thôn và thị trấn Kế Sách. Sạt lở 1 đoạn đê cồn, chiều dài 95m tại xã Phong Nẫm. Để khắc phục sạt lở, huyện đã phối hợp các địa phương và người dân tham gia tiến hành gia cố, bồi trúc 29 đoạn sạt lở; di dời 10 đoạn lộ đal do sạt lở gây ra. Bồi trúc, đắp đất chống tràn bờ bao 16 đoạn. Dông lốc làm sập 4 căn nhà, huyện đã hỗ trợ hộ dân số tiền gần 90 triệu đồng để khắc phục”.

“Ngày 3, 4/7/2023, điểm kè thị trấn Kế Sách xảy ra sạt lở làm sụp xuống kênh một đoạn kè có chiều dài 50m, chiều rộng 7m,ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân khu vực sạt lở. Trước mắt, huyện đã cắm biển báo nguy hiểm tại điểm sạt lở, tiến hành di dời cây xanh, trụ điện và sử dụng cừ, tràm gia cố tạm sạt lở, tránh sạt lở tiếp tục lan rộng, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn” - đồng chí Nguyễn Thanh Trong thông tin thêm.

Sạt lở xảy ra tại kè thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) làm sụp lún đoạn đal bờ kè có chiều dài 50m. Ảnh: THÚY LIỄU

Sạt lở xảy ra tại kè thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) làm sụp lún đoạn đal bờ kè có chiều dài 50m. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú chia sẻ: “Tính đến hiện tại, toàn huyện xảy ra 15 điểm sạt lở, chiều dài 846m tại các xã: Song Phụng, Long Đức, Phú Hữu, Châu Khánh, Tân Thạnh. Lốc xoáy làm sập hoàn toàn 2 căn nhà tại xã Long Phú". Tháng trước, vào ngày 21/6, tại đoạn bờ sông Rạch Mọp, xã Song Phụng xảy ra đoạn sạt lở bờ nghiêm trọng, với chiều dài đoạn khoảng 40m, độ sâu khoảng 8m, làm thiệt hại 1 trụ điện, 1 đoạn ống nước, 1 đoạn đường đal và 4 căn nhà của hộ dân, trong đó có 3 căn nhà bị chìm xuống sông, 1 căn có nguy cơ bị sụp, ước thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng. Nhằm khắc phục thiên tai, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở nghiêm trọng để người dân an tâm trong việc sản xuất và đi lại qua khu vực sạt lở...

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin: “Để ứng phó, phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về: phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2022 - 2023; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện chiến lược thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa vào sử dụng cống Ba Rẹt thuộc Dự án Hạ tầng thiết yếu, phát triển nông nghiệp các vùng sản xuất tập trung, chủ động phòng, chống hạn, mặn tỉnh Sóc Trăng. Đưa vào sử dụng cống Ngan Rô thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình, xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng và đưa vào sử dụng cống ngăn mặn Xóm Chùa tại thị xã Vĩnh Châu".

“Xây dựng các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai như: Nâng cấp hơn 22km đê biển; xây dựng mới 2 tuyến đê sông Cồn Tròn và Bến Bạ (huyện Cù Lao Dung) có chiều dài hơn 39km. Khởi công Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022 để khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp chiều dài 575m, xã Trinh Phú (huyện Kế sách), sạt lở bờ biển chiều dài 2.200m, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu). Khởi công dự án xây mới cống Âu thuyền Rạch Mọp, thuộc Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ thêm.

Chỉ đạo về ứng phó các loại hình thiên tai, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa, ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Cần phải huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc để chỉ đạo phòng, chống thiên tai kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo dõi diễn biến, thông tin dự báo về tình hình thời tiết, nhằm chủ động ứng phó phù hợp điều kiện từng địa phương. Rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, khi có tình huống thiên tai. Xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng và các công trình tại các địa phương. Rà soát các hộ sống trong khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ cần di dời, sơ tán khi có yêu cầu.

Riêng đối với việc ứng phó hiện tượng El Nino, đồng chí Vương Quốc Nam đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt. Rà soát, kiểm tra nguồn nước dự trữ tại các công trình thủy lợi trên địa bàn, có kế hoạch vận hành hệ thống thủy lợi; điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước (ưu tiên nguồn nước cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu). Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn. Thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, nhất là đối với vùng ven biển, vùng có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng thiếu nước sinh hoạt. Có kế hoạch điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, xâm nhập mặn, chưa đảm bảo cấp nước sang cây trồng khác...

Thiên tai sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tháng còn lại của năm 2023. Với các giải pháp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo địa phương về công tác ứng phó các loại hình thiên tai, các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt để đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Đối với người dân, nên theo dõi diễn biến thời tiết ngành chuyên môn phổ biến để chủ động ứng phó thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/trong-tinh/soc-trang-quyet-liet-ung-pho-cac-loai-hinh-thien-tai-66165.html