Soi 'lỗ hổng' trong giáo dục nhân cách trẻ

Nam sinh lớp 8 khi chơi bóng rổ ở quận Long Biên, TP Hà Nội bị tát ngã, chấn thương sọ não, sau hơn 2 tháng điều trị đã tử vong. Thông tin khiến lòng người xót xa.

Mầm mống bạo lực diễn biến khó lường, nhất là trong lứa tuổi mới lớn. Khi một đứa trẻ ra tay bạo lực ở bên ngoài cổng trường, dư luận liền đặt câu hỏi: Trẻ học trường nào, lớp mấy, ai là giáo viên chủ nhiệm… Rồi sau đó, nhà trường liên đới trách nhiệm, giáo viên gánh lấy lời tiếng giáo dục học sinh chưa nghiêm.

Trong khi đó, có những mâu thuẫn xuất phát từ mạng xã hội, có những mối quan hệ ngoài cánh cổng trường…, nhà trường, thầy cô hoàn toàn không thể kiểm soát.

Thẳng thắn nhìn nhận để thấy rằng trong phần lớn các vụ bạo lực học đường diễn ra, đằng sau thủ phạm và cả nạn nhân đều là những tổ ấm bị hao khuyết. Sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bậc sinh thành, thiếu sự quan tâm chất lượng từ cha mẹ, thiếu những lời tỉ tê tâm sự bên mâm cơm gia đình… đã hằn những vết rạn vô hình trong tâm tính trẻ.

Bạn tôi làm công tác chủ nhiệm lớp nhiều năm chia sẻ không ít lần "đứng hình" bởi gặp nhiều phụ huynh đặc biệt vô cùng trong cách dạy con.

Liên hệ với gia đình để hỗ trợ uốn nắn trẻ, giáo viên gặp vô số mảnh ghép bi hài. Có phụ huynh vừa nghe điện thoại của cô giáo nhắc nhở chuyện học hành, rèn luyện của trẻ liền quay sang vừa đánh vừa mắng con, khiến thầy cô ngại liên hệ để cùng giáo dục trẻ.

Có phụ huynh cứ thấy số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm là không hồi đáp. Tình cờ gặp nhau, cô giáo chưa kịp mở lời, phụ huynh đã "phủ đầu": "Hôm trước thấy số điện thoại cô giáo trên màn hình, tôi đã trị nó một trận, cô đừng mắc công gọi nữa nghe".

Có phụ huynh nhận điện thoại của giáo viên về việc con trai học lớp 6 tranh cãi, đánh bạn, liền xuýt xoa, qua quýt cho xong, không quan tâm đến việc phân tích đúng - sai hay lời xin lỗi cần có với người bạn bị đánh…

Những chuyển biến tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên khiến trẻ loay hoay định hình nhân cách, khẳng định cái tôi. Nhiệm vụ "dạy chữ" trong trường học không khó nhưng trọng trách "dạy người" thật lắm gian truân.

Mạng xã hội rộng mở với bạt ngàn thói hư tật xấu khiến hành trình giáo dục trẻ càng nhọc nhằn hơn bao giờ hết. Chính lúc này, thầy cô rất cần sự hợp tác một cách cởi mở, thân thiện, chân thành của phụ huynh trong việc cùng chung tay nâng đỡ con đường học hành của trẻ.

Đừng để trẻ cô đơn trong chính tổ ấm của mình, rối rắm với các mối quan hệ phức tạp, tự phân xử và tự giải quyết mâu thuẫn! Đừng để trẻ lớn khôn cùng roi vọt, lời quát mắng khiến mầm mống bạo lực vô tình nhiễm vào mắt, vào tai! Đừng nuông chiều, bảo bọc thái quá khiến trẻ ảo tưởng về sức mạnh của bản thân cũng như mài mòn sức đề kháng của trẻ khi đứng trước các vấn đề nan giải!

Trang Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/soi-lo-hong-trong-giao-duc-nhan-cach-tre-196240523211746395.htm