Soi mía, đường đen

Nấu đường đen thủ công. Ảnh: LÊ TRÂM

Những dải đất cát pha chạy dọc bờ sông phù sa màu mỡ, người dân địa phương gọi là soi và thường trồng mía, bắp, đậu phộng... Tuổi thơ thế hệ 8X những chiều thong thả ngoài soi ăn mía, giờ nhớ lại nhiều người vẫn bồi hồi, khó quên.

Tuổi thơ nghịch ngợm

Anh Vũ Văn Tuấn ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân ra thăm soi mía trước nhà, về ngồi ở hàng ba, tâm sự: Xóm nhà dài 5 cây số chạy dài theo dòng sông Trà Bương có chung một cảnh đó là ngăn cách soi mía với cánh đồng rồi đến xóm nhà. Dãy soi này mấy năm trước trồng đậu phộng, bắp, nay chuyển sang trồng mía. Lâu lắm rồi nay tôi mới đi thăm mía, nhớ lại cảnh cũ người xưa. Đó là chiều chiều đi học về rủ nhau ra soi chui vô giữa đám mía bẻ trộm, ăn no bụng rồi về. Ăn nhiều quá, có chủ ra soi, gom đọt mía khô đem cột túm lại ở gần bờ rồi cắm lên trên cái chổi chà cùn, đại ý cảnh báo rằng nếu bắt được kẻ bẻ trộm mía thì kẻ ấy sẽ bị đánh chổi chà vô mông. Quá bực tức vì đã bỏ công sức trồng, cuốc cỏ, giờ có kẻ ăn trước nên họ chỉ “làm hung làm dữ” vậy cho qua cơn giận chớ hồi giờ có đánh ai. Vả lại họ biết tỏng rằng những “con chuột đen đầu” chuyên lén lút bẻ trộm mía để ăn là bọn trẻ con trong làng.

Theo anh Tuần, soi mía là hình ảnh thân thương ở miền quê thuở trước. Còn bây giờ trẻ con có đứa học lớp 4, lớp 5 mà chưa một lần bước chân lên bờ ruộng…

Cùng lứa với anh Tuấn, chị Bùi Thị Trang cũng ở xã Xuân Phước nói: Hôm rồi chạy xe máy trên đường liên thôn thấy mấy đứa nhỏ ngồi ăn mía, tôi nhớ da diết hình ảnh soi mía bên sông. Lớp trẻ con chúng tôi ngày trước hay lẻn ra soi mía đầu xóm, bẻ trộm. Tôi lần đầu tiên tham gia bẻ mía trộm, xiết ăn một hồi coi lại “trống cửa sổ”, rụng mất chiếc răng cửa đã lung lay trước đó. Không biết là nhả theo xác bã mía hay nuốt vô bụng. Mấy đứa bạn bày, tìm răng rụng đem về ném lên mái nhà, hú chuột “răng cũ về mày răng mới về tao, mày răng sao, tao răng vậy”. Như vậy thì răng mọc lại nhỏ như răng chuột, đẹp. Tôi moi tìm răng rụng trong đống bã mía nhưng không thấy, còn bị bọ cạp chích nhức đến phát khóc. Tôi chạy về nhà, mẹ thấy tôi khóc, nước mắt chảy ngắn chảy dài, hỏi, tôi mới kể lại đầu đuôi sự việc.

“Nhìn ngón tay tôi tím rịm, mẹ chạy đi hái nắm lá dú dẻ kêu tôi nhai nuốt lấy nước, xác đắp chỗ vết thương. Lát sau vết cắn êm dần. Ngủ một giấc thức dậy, soi gương thấy còn in lằn nước mắt trên mặt bởi phấn mía. Tôi dặn lòng, từ đó về sau chừa cái tật lẻn ra soi bẻ mía. Cũng bởi những lần như vậy, tôi mới biết lá dú dẻ chữa được bò cạp cắn; chứ trẻ con bây giờ, mấy đứa biết soi mía, ruộng đồng”, chị Trang chia sẻ.

Nhớ chén đường đen

Trước đây, trong những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, nơi nào có trồng mía đều đào lò, kèm theo là cái máy nổ gắn qua hộp nhông kéo 4 ống che ép mía ra nước và cái lò nấu đường đen. Ông Nguyễn Văn Tính, một thợ nấu đường đen ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) nhớ lại: Trồng mía nấu đường đen hay còn gọi là đường trầm, khi nước đường giã gạo, tức là đường sôi sắp rặc, thì thợ nấu dùng gáo bầu san qua sớt lại giữa các chảo với nhau để đường các chảo chín đều cùng lúc. Khâu thắng đường lúc chín, thợ nấu phải tinh ý. Có người thử đường dùng gáo bầu múc lên rồi trút ngược xuống khi giọt đường cuối cùng chảy xuống rồi thun lại theo kiểu thắt đuôi chuột là đường đã tới.

Gần đây, người dân ở xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) đào lò che nấu đường đen trở lại. Ông Nguyễn Văn Thông, một người nấu đường đen ở đây chia sẻ: Gia đình tôi không trồng mía gần đường, gần soi mà trồng trong hốc núi, không có đường xe vận chuyển. Cách đây 3 năm, tôi dựng che ép mía nấu đường theo cách cũ, nhiều người đến hỏi mua. Rồi người ở xa cũng đến dặn, đặt hàng trước. Thấy đường đen bán chạy, từ đó đến nay, nhiều người trong xóm rủ nhau đào lò, dựng che nấu đường đen truyền thống.

Chị Bùi Thị Sâm ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) cho hay gần đây, tại các chợ ở địa phương này có bán đường đen. Xuân Thọ 2 và Xuân Sơn Bắc giáp ranh nhau nên người ở Xuân Thọ 2 mang đường đen lên đây bán. “Cứ nghĩ cảnh đó đã lùi vào dĩ vãng cùng tuổi thơ thời 8X của chúng tôi, nào ngờ có dịp về quê, tôi lại gặp hình ảnh thân thương đó”, chị Sâm trải lòng.

Theo chị Sâm, đường đen nhìn hơi thô nhưng làm ra các món mà người này ăn người kia thèm. Đơn cử, trái xoài còn xanh xắt lát, quẹt chấm với chén nước mắm pha đường đen có nhiều nước mật, đưa vô miệng nhai giòn rụm. Vị ngọt của đường đen có nước mật với vị mặn của mắm thấm vào đầu lưỡi… ngon đáo để.

Soi mía là hình ảnh thân thương ở miền quê thuở trước, còn bây giờ trẻ con có đứa học lớp 4, lớp 5 mà chưa một lần bước chân lên bờ ruộng…

Anh Vũ Văn Tuấn ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/294950/soi-mia-duong-den.html