Solomon dự định nói không với Facebook, dân 'rầm rầm' phản đối

Ngày 17/11, quần đảo Solomon đề xuất ban hành luật hạn chế quyền truy cập của công dân vào Facebook, gây ra phản ứng gay gắt do tác động có thể gây ra đối với xã hội và nền kinh tế.

Nếu lệnh cấm được thông qua, quần đảo Solomon sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới cấm Facebook. (Nguồn: Reuters)

Nếu lệnh cấm được thông qua, quần đảo Solomon sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới cấm Facebook. (Nguồn: Reuters)

Quần đảo Solomon thông báo sẽ tạm cấm mạng xã hội Facebook hoạt động tại quốc gia này trong một khoảng thời gian “chưa xác định” sau khi xuất hiện nhiều thông tin không phù hợp lan truyền trên nền tảng mạng xã hội này.

Đề xuất này xuất hiện sau khi chính quyền của Thủ tướng Manasseh Sogavare gặp làn sóng chỉ trích trên Facebook, từ việc ứng phó với đại dịch Covid-19 cho đến mối quan hệ với Trung Quốc.

Xác nhận kế hoạch với trang Solomon Times, Bộ trưởng Truyền thông Peter Agovaka, người đã trình bày đề xuất với Nội các, khẳng định nguyên nhân Facebook bị cấm là do nền tảng này đã lưu hành những ngôn từ không phù hợp nhằm vu khống và lăng mạ các Bộ trưởng hay Thủ tướng quốc đảo này.

Nếu lệnh cấm được ban hành, quần đảo Solomon sẽ là quốc gia tiếp theo sau Trung Quốc, Iran và Triều Tiên cấm Facebook - mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, hoạt động trong lãnh thổ.

Tranh cãi về ứng phó Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh mẽ tại quốc đảo này vào tháng Hai, Thủ tướng Sogavare đã đưa ra những chính sách phong tỏa nghiêm ngặt. Kết quả là Solomon chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh trong suốt khoảng thời gian qua.

Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới đã có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Chính phủ Solomon đã đưa ra một biện pháp kích thích kinh tế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng việc triển khai hỗ trợ đã gây tranh cãi.

Đầu tháng này, nhóm chống tham nhũng Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã kêu gọi chính quyền Quần đảo Solomon tiến hành kiểm toán khoản kích thích trị giá 39 triệu USD với cáo buộc nhiều người không có doanh nghiệp hoặc dự án hợp pháp đã hưởng lợi từ chương trình.

Ngoài ra, tranh cãi xảy ra xung quanh khoản hỗ trợ trị giá 2 triệu USD của chính phủ New Zealand vào tháng Tư cho việc hoàn thành Bệnh viện Gizo ở phía Tây đất nước và Bệnh viện Kilu’ufi ở tỉnh Malaita. Trong khi dự án Gizo đã được tiến hành, dự án Malaita vẫn chưa bắt đầu, theo các quan chức địa phương.

Sự chậm trễ trong việc hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19 đã khiến các cáo buộc về tham nhũng của chính phủ được lan truyền rộng rãi trên các nhóm lớn trên Facebook. Tuy nhiên những cáo buộc này thường không có cơ sở và bằng chứng cụ thể.

Một số người dân cho rằng, kế hoạch đóng cửa Facebook chỉ là nỗ lực nhằm ngăn chặn các quan điểm trái chiều. “Chính phủ chỉ muốn cấm Facebook để che giấu hành vi tham nhũng của họ”, Hutaiasi Kere, một sinh viên 21 tuổi ở Honiara chia sẻ với trang The Diplomat.

Những ý kiến trái chiều

Kể từ thông báo ngày 17/11, chính phủ Solomon vẫn chưa đưa ra bất kì tuyên bố chính thức nào liên quan tới đề xuất cấm Facebook. Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thực hiện, nó có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Trước đó, một trong những sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp sống chung với đại dịch của chính phủ là cung cấp cho các doanh nghiệp khóa đào tạo về tiếp thị số, bao gồm việc sử dụng Facebook, Instagram làm công cụ thu hút khách hàng nhằm duy trì hoạt động, thu hút khách hàng trong thời kì suy thoái kinh tế.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý du lịch quần đảo, 80% hoạt động quảng cáo trong nước diễn ra trên Facebook. Trong đó, nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận, sử dụng mạng xã hội đã giúp họ thu hút rất nhiều khách hàng mới và đối chọi với những tác động tiêu cực của đại dịch.

Facebook đã trở nên quen thuộc với người dân của quốc đảo non trẻ với gần 20% dân số tham gia mạng xã hội này. Chính phủ Solomon này cũng sử dụng nền tảng Facebook như một kênh truyền thông đại chúng.

Bên cạnh những chỉ trích liên quan đến cáo buộc tham những kinh tế gần đây, từ năm 2019, trên Facebook đã xuất hiện nhiều phản ứng bất bình trước quan điểm ngoại giao của ông Sogavare khi ông “từ bỏ” đồng minh lâu năm là Đài Loan (Trung Quốc) để thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Những người ủng hộ việc xoay trục sang Trung Quốc lập luận hành động này sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang kiệt quệ của Solomon. Tuy nhiên, đa số người dân Solomon phản đối quyết định này bởi những khác biệt trong ý thức hệ và chế độ chính trị giữa hai quốc gia.

Bên cạnh đó, chính sách xoay trục sang Trung Quốc đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc) đã làm gián đoạn các chương trình phát triển nông nghiệp mang lại lợi ích cho cộng đồng trên khắp các hòn đảo bởi Đài Loan là nhà tài trợ chính cho dự án này. Sinh viên Solomon tại Đài Loan cũng bị cắt học bổng và buộc phải quay trở về quê hương.

Lãnh đạo phe đối lập, ông Matthew Wale tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch này. Ngoài ra, ông Peter Kenilorea, một nhân vật cấp cao của phe đối lập, gọi quyết định này là một “cuộc tấn công trực tiếp và trơ trẽn vào quyền tự do ngôn luận”, một hành vi vi phạm hiến pháp của Quần đảo Solomon.

Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook cho rằng quyết định trên của Chính phủ Solomon sẽ tác động tới hàng nghìn người dân ở quần đảo này, những người đang sử dụng nền tảng xã hội của công ty để kết nối và tham gia các diễn đàn thảo luận trong khu vực. Hiện Facebook đã cử đại diện liên hệ làm việc với Chính phủ Solomon về vấn đề này.

Dù lệnh cấm có được ban hành chính thức hay không, động thái này của chính phủ Solomon đã gây ra những phản đối gay gắt trong quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, phe chính trị đối lập và những nhà hoạt động vì nhân quyền cũng như tác động không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia.

Thiều Trâm

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/solomon-du-dinh-noi-khong-voi-facebook-dan-ram-ram-phan-doi-130619.html