Sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư thủy điện Hủa Na

Trong phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 sáng ngày 8/12, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng, việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án thủy điện Hủa Na vẫn chưa dứt điểm, chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên.

Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Hủa Na nằm ở địa bàn huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đã hoàn thành hòa lưới điện quốc gia gần 9 năm. Từ khi rời bản cũ về khu tái định cư thủy điện, cuộc sống của hơn 1.360 hộ dân ở 14 bản thuộc hai xã Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong) gặp nhiều khó khăn do công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều tồn đọng.

 Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An trả lời nội dung đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An trả lời nội dung đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Liên quan đến những tồn tại, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng Dự án thủy điện Hủa Na trong phiên thảo luận tại hội trường, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: ngày 27/1/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản để chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là trong phương án tính bồi thường đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến để có cơ sở chi trả cho người dân và việc giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho người dân tái định cư.

Về công tác đền bù GPMB, ngày 2/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản về việc xử lý chênh lệch giá đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến Dự án tái định cư thủy điện Hủa Na. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Công văn số 4850 ngày 14/7/2021, giao Sở TN&MT, huyện Quế Phong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay giữa Công ty CP Thủy điện Hủa Na và huyện Quế Phong chưa thống nhất được phương án đối trừ để triển khai thực hiện. Ngày 15/10/2021, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc. Hiện nay, huyện Quế Phong đang tích cực thực hiện, ông Phạm Văn Hóa cho biết thêm.

Liên quan đến công tác giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện đã hoàn thành giao rừng tại thực địa tương ứng với hồ sơ giao đất tái định cư được 570 giấy chứng nhận, trong đó có 560 hộ định cư và 10 hộ sở tại. Đối với 318 hộ dân tái định cư, hiện Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục kiểm tra, thẩm định và chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ.

Về giao đất lâm nghiệp, đã giao đất cho người dân tại các điểm tái định cư ngoài thực địa. Tuy nhiên, phải thu hồi lại theo Chỉ thị 13, trong đó đối với diện tích 67,39ha rừng tự nhiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; 184,5ha thì UBND tỉnh đang chỉ đạo xem xét điều chỉnh ra khỏi đất lâm nghiệp đối với diện tích đất không còn rừng tự nhiên và điều chỉnh bổ sung vào cơ cấu 3 loại rừng.

Nhiều năm nay, trên lòng hồ thủy điện Hủa Na nhiều hộ dân đã nuôi cá làm giàu

Nhiều năm nay, trên lòng hồ thủy điện Hủa Na nhiều hộ dân đã nuôi cá làm giàu

Làm rõ thêm về những tồn tại ở Dự án thủy điện Hủa Na, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay, năm 2020 UBND tỉnh Nghệ An đã báo cáo gửi Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT tham mưu, hướng dẫn cho tỉnh. Tuy nhiên, do luật quy định không rõ nên các văn bản hướng dẫn cũng không rõ.

Hiện nay, vướng mắc liên quan đến xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến tại Dự án thủy điện Hủa Na vẫn chưa xử lý được, đang tồn tại 2 quan điểm. Quan điểm của huyện Quế Phong, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường GPMB là khấu trừ từng loại đất. Quan điểm của Công ty Thủy điện Hủa Na là khấu trừ tổng nơi đi, nơi đến. Chênh lệch giá trị của 2 phương án được tạm tính khoảng 15-17 tỷ đồng.

Hiện Sở đã báo cáo 2 phương án cho UBND tỉnh: Thứ nhất là đi học tập kinh nghiệm giải quyết tại các tỉnh có nhà máy thủy điện. Thứ hai là tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan hướng dẫn rõ hơn nội dung này, ông Hoàng Quốc Việt chỉ rõ.

Liên quan đến vấn đề cấp điện cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa được cử tri quan quan tâm tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 157 thôn, bản được cấp điện, trên tổng số 273 thôn, bản chưa có điện (bao gồm đảo Mắt), theo dự án được phê duyệt tại Quyết định số 9781 của Bộ Công Thương với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Hóa, Nghệ An hiện còn 115 thôn, bản và đảo Mắt chưa có điện. Trong đó, có 76 thôn, bản theo lộ trình sẽ được cấp điện vào năm 2022; 24 thôn, bản và đảo Mắt thì thực hiện theo Chương trình 1740 của Chính phủ, hiện đã được đề xuất hỗ trợ để triển khai trong năm 2022. Sở Công Thương đang phối hợp với Điện lực tỉnh rà soát, hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai trong năm 2022.

“Còn 15 thôn, bản chưa có điện phát sinh sau Dự án 9781 đã được UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung sau khi Dự án 9781 hoàn thành”, ông Hóa nói.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/som-giai-quyet-dut-diem-viec-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-thuy-dien-hua-na-168799.html