Sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập

Chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh, trong đó hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Hiện di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin đã truyền sang thế hệ thứ tư ở Việt Nam.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người bị nhiễm CĐHH, đặc biệt là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ. Tuy nhiên, trong chính sách và tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế cần khắc phục...

Thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư bị di chứng CĐHH. Đời sống vật chất, tinh thần của họ rất khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân; nạn nhân bị bệnh nặng, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động.

 Các tổ chức phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Quảng Trị.

Các tổ chức phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Quảng Trị.

Từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua pháp lệnh; Chính phủ ban hành 11 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; các bộ ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với nạn nhân CĐHH. Quá trình triển khai nói chung được xã hội đồng tình, giúp họ vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ là đối tượng mà quá trình giải quyết chế độ khó khăn, phức tạp nhất trong 12 đối tượng người có công (NCC). Hiện có gần 350.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ đang hưởng chính sách ưu đãi NCC. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH vẫn đặt ra không ít vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Theo ông Nguyễn Bá Bồng, Phó trưởng ban Tổ chức-Chính sách, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam: Bất cập trong hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách là một trong những nguyên nhân.

Trước hết, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội (Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg) sang hưởng chế độ ưu đãi NCC với cách mạng (Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13) nêu về điều kiện xét duyệt (hồ sơ, bệnh tật) khác nhau đã tạo nên bất cập (hồ sơ theo chế độ ưu đãi NCC chặt chẽ hơn). Ngoài ra, do văn bản ra đời chậm và không rõ ràng cũng gây ra không ít khó khăn trong triển khai thực hiện. Ví dụ, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tháng 7-2012 và xác định hoàn thành việc giải quyết chính sách đối với những người có liên quan trong năm 2012. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện pháp lệnh gặp khó khăn, vì tới tháng 5-2013???? (tháng 4-2013) Chính phủ mới ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và tháng 6-2013???? (tháng 5-2013), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH.

Bên cạnh đó, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật cũng không rõ ràng. Chẳng hạn, Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐDC/dioxin, tiếp đó là các Thông tư liên tịch số: 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH; 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH chỉ quy định 17 bệnh, không hướng dẫn cụ thể về các bệnh, dẫn đến tùy tiện trong tổ chức thực hiện và nảy sinh tiêu cực cũng từ đây. Ví dụ, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính (một trong 17 bệnh), thông tư không hướng dẫn cụ thể nhưng trong tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế cho hội đồng giám định y khoa các cấp quy định “bệnh thần kinh cấp tính hoặc bán cấp tính do dioxin chỉ diễn ra trong 3 đến 5 tuần đầu”. Thực tế, chiến tranh đã đi qua nhiều năm, hướng dẫn như vậy dẫn đến cho hưởng cũng được, không cho hưởng cũng được và nảy sinh nhiều tiêu cực, như "chạy" bệnh án… Sau đó, Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH quy định chỉ chấp nhận giấy tờ điều trị trước ngày 30-4-1975 để hạn chế tiêu cực. Thế nhưng quy định này cũng không hợp lý vì người bị nhiễm CĐHH thật có thể trước ngày 30-4-1975 chưa được điều trị thì không thể có bệnh án, giấy tờ. Cùng với đó, quá trình tổ chức thực hiện thiếu sâu sát, cụ thể và cứng nhắc nên dẫn đến tiêu cực trong giải quyết chính sách. Việc tuyên truyền phổ biến chính sách đối với mọi đối tượng ở các cấp chưa đầy đủ, không phát huy được vai trò giám sát của nhân dân.

Trước những yêu cầu thực tiễn đặt ra, Chính phủ đã xây dựng dự thảo và đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC, trong đó có đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con, cháu họ. Đây là việc làm cần thiết không những tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn, mà còn thể hiện sâu sắc tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Cùng với đó, quá trình tổ chức thực hiện phải chặt chẽ, dân chủ, công khai, tránh kẽ hở có thể bị trục lợi như đã diễn ra; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cấp, mọi ngành và xã hội hiểu được và cùng giám sát. Đối với các trường hợp đặc biệt, nhất là những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH nhưng không còn giấy tờ do nhiều nguyên nhân (thiên tai, hỏa hoạn, thời gian quá lâu…), Chính phủ và các bộ cần nghiên cứu và có cơ chế giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, không bỏ sót NCC.

Bài và ảnh: KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/som-khac-phuc-nhung-vuong-mac-bat-cap-606879