Sớm sửa chữa, đảm bảo an toàn các hồ thủy lợi

Sở NN-PTNT và các ngành chức năng kiểm tra công tác an toàn hồ đập tại hồ chức nước Hóc Răm (huyện Tây Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, đa số được xây dựng khá lâu nên đến nay đã xuống cấp, hư hỏng. Mặc dù địa phương đã trích kinh phí để sửa chữa, nhưng cũng chỉ sửa chữa nhỏ, khó khăn nhất hiện nay là hầu hết địa phương không đủ kinh phí để sửa chữa những hư hỏng lớn, nâng cấp và đánh giá an toàn hồ đập đối với các công trình thủy lợi này.

Nhằm đảm bảo việc tích nước và đảm bảo an toàn hồ đập, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ hồ và địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, khắc phục hư hỏng, đồng thời có phương án bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là trong mùa mưa lũ năm nay.

Nhiều hồ hư hỏng, xuống cấp

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó 3 hồ có dung tích hơn 10 triệu m3, 3 hồ có dung tích từ 3-10 triệu m3, còn lại là các hồ thủy lợi có dung tích dưới 3 triệu m3. Các hồ chứa có dung tích trên dưới 1 triệu m3 nước thường là tràn tự do trên nền đất, đá tự nhiên nên thường xuyên bị xói lở, hư hỏng. Nhiều công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng khá lâu, qua nhiều năm vận hành, khai thác, đập đất của một số hồ bị hư hỏng xuống cấp; tràn xả lũ bị rò rỉ, thấm qua vai, qua tường tràn xả lũ.

Hiện một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, bị bồi lấp không còn sử dụng như hồ Cò Hay (huyện Sơn Hòa), hồ Hóc Bướm (huyện Tuy An), hồ Ea Lâm 2 (huyện Sông Hinh) hoặc lòng hồ bị thu hẹp, dung tích trữ nước hạn chế, không đảm bảo theo thiết kế ban đầu như hồ Sơn Tây Thượng, Sơn Tây, Trường Lạc, Lạc Phong (huyện Tây Hòa), hồ Tân Lương (huyện Sơn Hòa)…

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương đang quản lý, vận hành 20 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ. Hiện có 7 hồ chưa được gia cố tràn xả lũ bằng bê tông hoặc đá xây; 5 hồ bị sạt lở thân tràn, đuôi tràn và hệ thống tiêu năng; 1 hồ bị hư hỏng hệ thống van của cống lấy nước.

Do thiếu kinh phí nên công tác điều tra, đánh giá an toàn hồ đập và cắm mốc quan trắc đối với các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện chưa được triển khai. Tỉnh cần hỗ trợ kinh phí để huyện khắc phục, sửa chữa và nâng cấp các hồ thủy lợi nói trên.

Đề án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025, dự kiến tổng kinh phí khoảng 412 tỉ đồng. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và các chủ hồ rà soát, lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, đề xuất xử lý cấp bách các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao.

Đồng chí Trần Hữu Thế

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh

Còn theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, địa phương đang quản lý, vận hành 6 hồ thủy lợi vừa và nhỏ. Các hồ chứa nước này do xây dựng quá lâu nên không có hồ sơ công trình, công tác kiểm tra chỉ dựa vào việc quan sát hiện trạng. Qua kiểm tra, hồ Suối Hiền (xã Sơn Thành Tây) bị biến dạng mái đập (sạt lở, trượt mái thượng và hạ lưu); hồ Đồng Tròn (xã Sơn Thành Đông) bị nứt thân đập chính; 4 hồ còn lại gồm Sơn Tây, Lạc Phong, Trường Lạc và Sơn Tây Thượng (xã Sơn Thành Tây) các tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây.

Mặc dù địa phương đã trích kinh phí để sửa chữa, nhưng cũng chỉ sửa chữa nhỏ, khó khăn nhất hiện nay là địa phương không đủ kinh phí để sửa chữa những hư hỏng lớn, nâng cấp và đánh giá an toàn đập đối với các công trình thủy lợi trên.

Mới đây, Sở NN-PTNT, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra toàn bộ các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá mức độ hư hỏng, xuống cấp và mức độ an toàn đối với các hồ chứa nước này để đề xuất giải pháp khắc phục trước mùa mưa bão.

“Qua kiểm tra đợt này đối với 50 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, có 4 đập chính bị thấm nước, 7 thân đập bị nứt nhẹ (tường chắn sóng, thân đập), 11 tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây, 2 tràn xả lũ bị nứt nhẹ, 5 hồ bị xói lở thân tràn, đuôi tràn và hệ thống tiêu năng, 3 hồ bị hư hỏng nhẹ thân cống, 5 hồ bị hư hỏng hệ thống van…”, ông Phạm Chí Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết.

Có giải pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước

Theo Sở NN-PTNT, phần lớn các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thuộc loại nhỏ, xả lũ bằng hình thức tràn tự do và do các địa phương quản lý, vận hành, khai thác, không có quy trình vận hành điều tiết hồ. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư nâng cấp sửa chữa một số hồ chứa thủy lợi mang tính cấp bách, xung yếu có khả năng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, số lượng hồ được đầu tư sửa chữa trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chỉ chiếm 10-15% so với các hồ cần được sửa chữa nâng cấp.

Ông Phạm Chí Toàn cho biết: Tỉnh đã hỗ trợ khoảng 15 tỉ đồng để xử lý tình trạng thấm nước qua thân đập đất của đập chính đối với công trình hồ chứa nước La Bách (huyện Sông Hinh). Đến nay, công tác xử lý đã hoàn thành, cơ bản khắc phục được hiện tượng thấm nước toàn thân đập của công trình này.

Tỉnh cũng đang hoàn tất thủ tục để triển khai tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư gần 120 tỉ đồng. Nội dung đầu tư là sửa chữa, nâng cấp 6 hồ chứa thủy lợi gồm Phú Xuân (huyện Đồng Xuân), Đồng Tròn (huyện Tuy An), Hòn Dinh, Đồng Khôn (TX Đông Hòa), Giếng Tiên (huyện Sơn Hòa), Hóc Răm (huyện Tây Hòa).

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước, đề xuất phương án sửa chữa các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ, đồng thời rà soát nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành bảo dưỡng và bảo vệ hồ theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi đánh giá việc vận hành điều tiết hồ theo quy trình đã được phê duyệt, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập.

Đại diện Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công tác khắc phục tình trạng thấm nước qua thân đập chính của hồ chứa nước La Bách (huyện Sông Hinh). Ảnh: ANH NGỌC

Đại diện Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công tác khắc phục tình trạng thấm nước qua thân đập chính của hồ chứa nước La Bách (huyện Sông Hinh). Ảnh: ANH NGỌC

Đối với các hồ chứa nước có cửa xả sâu, cần rà soát quy trình vận hành để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp; kiểm tra cửa van, hệ thống vận hành và bố trí nhân lực vận hành sẵn sàng điều tiết mực nước, điều tiết lũ một cách hợp lý đảm bảo an toàn cho công trình cũng như hành lang xả lũ và vùng hạ du.

Các chủ hồ cần xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác các tháng còn lại của năm 2020 mới đây, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 06 ngày 7/4/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa, lũ năm 2020; Kế hoạch 60 ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh về ứng phó với sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi, thủy điện, xả lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn; xây dựng phương án điều tiết nước hồ chứa hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình thực tế để có thể tích nước tối đa phục vụ chống hạn, đồng thời đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du. Đối với các hồ, đập có nguy cơ mất an toàn, các chủ hồ phải xây dựng được phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du; chủ hồ, đập phải thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm ngay tại hồ, đập và thông báo cho người dân biết hành lang ngập lụt có thể xảy ra.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/246503/som-sua-chua-dam-bao-an-toan-cac-ho-thuy-loi.html